Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

“Tôi đã làm xong phần việc của mình trong khả năng có thể”



@ nguontinviet.com


Gần đây trên diễn đàn xã hội cũng như trên một số tờ báo có thông tin bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” (Đạo diễn Đặng Nhật Minh) mượn một ý tưởng từ một truyện ngắn có tựa đề “Thư” của Trung Quốc. Truyện kể về một chị nông dân Trung Quốc có chồng hy sinh ở Triều Tiên, giấu giấy báo tử gửi về cho gia đình, viết những bức thư giả để mẹ chồng yên lòng rằng chồng mình vẫn còn sống. Tình cờ bà mẹ giặt áo cho con dâu và nhặt được giấy báo tử trên. Vừa lúc đó thì địa phương đến chia buồn cùng gia đình...

Đạo diễn Đặng Nhật Minh khá bất bình về chuyện này, bởi xuyên suốt cuộc đời làm phim của mình, ông - ngoài niềm đam mê theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn thì còn có lòng tự trọng với nghề để làm nên từng thước phim cho đến nay vẫn còn sống với thời gian. Nhân dịp này,, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã có cuộc trao đổi với chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng.


Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, có lẽ ông đã biết những điều người ta nói về bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 trong thời gian gần đây. Cá nhân ông, với tư cách là “cha đẻ” của bộ phim đã có sức sống tròn 30 năm nay với các giải thưởng lớn nhỏ như Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985; Giải đạo diễn cũng tại LHP trên; Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Liên Xô tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1985; Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii (Mỹ) năm 1985; Một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền trình CNN bầu chọn, liệu ông có ý kiến phản hồi gì?


Tôi cũng ngạc nhiên vì có người đưa lên mạng xã hội nói rằng bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười của tôi đã mượn ý tưởng từ một truyện ngắn của Trung Quốc. Trước hết tôi muốn nói, nếu dùng từ “ý tưởng” là không chính xác, mà nói đúng hơn là nó có một motip giống với truyện ngắn đó. Truyện giấu tin người hy sinh ở mặt trận, viết thư giả cho gia đình... là một câu chuyện khá phổ biến. Tôi được nghe kể trong kháng chiến chống Pháp có rất nhiều câu chuyện tương tự và tôi đã lấy từ thực tế đó để viết lên thành một chi tiết trong kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười. Sau khi phim chiếu ra, một vài khán giả còn cho tôi biết , có nhiều những trường hợp như vậy trong đời sống thực. Thậm chí ngay trong gia đình họ. Việc giấu tin buồn, viết thư giả là một thực tế có thế xẩy ra ở bất kỳ nơi nào có chiến tranh và ngay cả trong thời bình. Tôi tin rằng khán giả sau khi xem Bao giờ cho đến tháng Mười rồi đọc truyện ngắn trên sẽ thấy đây là một bộ phim hoàn toàn Việt Nam, mang đậm tính cách, tình cảm, dấu ấn văn hóa của con người Việt Nam, không mượn ý tưởng của ai cả. Thực tế này có ở Việt Nam, việc gì tôi phải tìm ở một đất nước nào khác?


Được biết, tháng 10/2013 Liên hoan phim Hawaii (Mỹ) và tháng 2/2014, Liên hoan phim Vesoul (Pháp) đều có chiếu lại phim Bao giờ cho đến tháng Mười của ông. Rõ ràng, cho đến bây giờ sau gần 30 năm thì Bao giờ cho đến tháng Mười vẫn có sức sống vượt ra ngoài lãnh thổ. Khi làm bộ phim này (năm 1984), ông có nghĩ rằng nó lại có sức sống lâu dài như thế?


Khi làm phim này, tôi 42 tuổi. Đó là bộ phim truyện nhựa thứ 2 sau phim Thị xã trong tầm tay mà tôi tự tay viết kịch bản. Như tôi đã chia sẻ trong hồi ký của mình, tôi bắt tay viết kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười xuất phát từ nỗi đau của gia đình tôi, từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Đó là những điều đã có sẵn trong tôi, không cần phải tìm kiếm đâu xa cả. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện nữa thôi. Một lần ngồi trú mưa trên đê, trong quán nước ven đường ở huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), tôi nhìn thấy dưới cánh đồng xa xa, một đoàn người lầm lũi đi trong mưa. Khi đoàn người đến gần, tôi nhận ra đó là một đám tang. Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười.



Thú thực lúc đó tôi chỉ biết cố gắng đem hết sức mình để làm sao bộ phim đứng được, nhất là hoàn cảnh làm phim lúc đó rất khó khăn, máy móc kỹ thuật thiếu thốn. Hãng phim phân cho tôi một máy quay phim Côn-vát cũ của Liên Xô chất lượng rất kém, đến nỗi trong lúc quay phá hỏng không biết bao nhiêu thước phim, buộc tôi phải quay đi quay lại nhiều lần. Tôi bèn tự đi mượn một máy quay của Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng (nơi cha tôi trước kia làm Viện trưởng) để quay nốt nửa phim còn lại. Đây là chiếc máy quay Côn-vát do Liên Xô viện trợ cho Viện để quay các phim giáo khoa về phòng chống sốt rét. May thay nó còn rất mới vì ít được dùng tới. Tôi đã mời nữ diễn viên Lê Vân vào vai chính của phim, để rồi từ đó tên tuổi của cô gắn liền với hình ảnh chị Duyên, người vợ liệt sĩ, tiêu biểu cho hàng vạn, hàng triệu phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.



Người làm nhạc cho phim này là nhạc sỹ Phú Quang. Hồi ấy anh vừa mới tốt nghiệp khoa sáng tác Trường âm nhạc và chưa từng làm nhạc phim bao giờ. Tôi nhớ anh đánh cho tôi nghe những giai điệu đầu tiên sáng tác cho phim trên chiếc piano trong căn hộ chật hẹp chỉ vừa đủ kê một chiếc đàn và một chiếc giường đôi ở trong ngõ Văn Chương, Hà Nội. Anh đã rung động thực sự khi làm nhạc cho phim này do đó âm nhạc của anh đã đi vào phim rất ngọt ngào, nâng sức truyền cảm của hình ảnh lên rất nhiều. Tôi hồi hộp không biết một bộ phim làm cách đây gần 30 năm, nay chiếu lại liệu có người xem không. Nhưng lạ thay các buổi chiếu ở Hawaii và Vesoul đều đông kín khán giả. Sau khi xem xong nhiều người còn ngồi lại để giao lưu với đạo diễn, trong số đó có người đã xem phim này cách đây 27 năm. Họ ôn lại với tôi những kỷ niệm cũ và cho biết sau 27 năm xem lại, cảm xúc vẫn còn như nguyên ban đầu, thậm chí có những tình tiết đến bây giờ xem mới hiểu thêm và càng thấy thú vị. Giáo sư Stephen O’Harrow dạy Tiếng Việt và Văn hóa châu Á tại Đại học Hawaii cho biết đã chiếu cho sinh viên của mình xem Bao giờ cho đến tháng Mười có đến hàng trăm lần, đến nỗi ông thuộc làu tất cả lời thoại trong phim. Bộ phim đối với ông như một tài liệu giáo khoa bằng hình ảnh về văn hóa và con người Việt Nam.


Tôi cho rằng, việc phim Bao giờ cho đến tháng Mười có sức sống vượt thời gian như vậy là do tính nhân văn chứa đựng trong đó. Nhưng xem phim xong tôi vẫn thắc mắc tại sao ông lại lấy tên phim là Bao giờ cho đến tháng Mười trong khi nội dung của nó không có nhiều liên quan đến… tháng Mười?



Nhiều người cũng muốn biết xuất xứ từ đâu mà có cái tên phim này, vì khi nói đến Tháng 10 người ta thường nghĩ ngay đến Cách mạng tháng 10 Nga. Tên phim này đến với tôi từ 4 câu ca dao trong cuốn Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng mà tôi đã được đọc trước đó từ lâu: Bao giờ cho đến tháng Mười/ Ta đem liềm hái ra ngoài đồng ta/ Gặt xong ta trẩy về nhà/ Phơi khô quạt sạch ấy là xong công…. Đối với tôi, bốn câu ca dao này như một sự mong mỏi, chờ đợi trong lo âu về một cuộc sống ấm no hạnh phúc bởi vì tháng mười là tháng của vụ gặt và cũng là tháng có rất nhiều giông bão có thể mất mùa, trắng tay. Bài thơ của anh giáo Khang (do Hữu Mười đóng) đã diễn tả tâm trạng đó như sau: Bao giờ cho đến tháng Mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát hi sinh chịu đựng khổ đau/ Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu. Đấy cũng là tâm trạng của Khang khi hiểu được bi kịch của chị Duyên. Xuất xứ của tên phim Bao giờ cho đến tháng Mười là như vậy.



Ông là người đi ngang vào điện ảnh, nhưng dường như bộ phim nào của ông làm ra cũng để lại dấu ấn trong nền điện ảnh Việt Nam như: Cô gái trên sông, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùa ổi, Đừng đốt... và đương nhiên là Bao giờ cho đến tháng Mười. Điều này hẳn sẽ làm mát lòng cố Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người mà sinh thời từng mong muốn người con trai duy nhất của mình sẽ học Y khoa để nối nghiệp cha?


Tôi cho rằng, làm nghề gì cũng phải có lòng trắc ẩn với cuộc đời. Làm nghề y hay làm nghệ thuật đều vậy. Cảm xúc là thứ quan trọng hàng đầu của người nghệ sĩ. Nếu anh không có cảm xúc thật, thì anh không thể làm người khác xúc động được. Bản thân môi trường sống, hoàn cảnh gia đình tôi chính là chất liệu đã nuôi dưỡng cho những sáng tác của tôi. Đặc biệt là hình ảnh cha tôi, người mà không bao giờ nghĩ rằng, người con trai duy nhất của mình lại đi theo con đường nghệ thuật. Tôi nhớ, trước khi vào chiến trường (năm 1967) ông có căn dặn tôi: “Con làm điện ảnh cũng được, nhưng làm việc gì cũng phải cố gắng làm hết sức mình với niềm say mê như làm khoa học vậy”. Cha tôi là tấm gương về niềm say mê đó. Đó là lần cuối cùng cha con tôi trò chuyện cùng nhau. Sau đó cha tôi đã hy sinh trong một trận ném bom B52 tại phía Tây Thừa Thiên khi đang nghiên cứu Vacine chống sốt rét cho bộ đội.



Sau tất cả những “cáo buộc mượn ý tưởng”, có vẻ ông vẫn bình thản và lặng lẽ. Ông có sợ khán giả mến mộ có lúc người ta nghĩ sai về mình?


Tôi nghĩ rằng tác phẩm của tôi đã có đời sống của nó, không cần phải giải thích dài dòng. 30 năm nay nó đã đến với khán giả trong và ngoài nước và được đón nhận như thế nào, mọi người đều biết. Tôi không có gì cần nói thêm. Bây giờ, niềm vui đối với tôi là sự trưởng thành của con cái. Tôi tự hào vì có người con gái đi theo ngành Y của ông nội, điều mà bản thân tôi không làm được. Tôi vẫn luôn theo dõi sát tình hình điện ảnh nước nhà. Tôi cho rằng, điện ảnh Việt Nam đã bước sang một chương mới, khác hẳn điện ảnh của thế hệ chúng tôi. Và trách nhiệm đối với giai đoạn điện ảnh hiện nay, thuộc về thế hệ trẻ, bản thân tôi đã làm xong phần việc của mình trong khả năng có thể.


Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết

Organic Groups

 
Thực Phẩm Hữu Cơ
Public group · 4,750 members
Join Group
Chợ Thực Phẩm Sạch
 

Tìm kiếm...

Translate

Danh Mục