Tuổi thơ nghèo khó của sao Việt
Việt Trinh: Đi ăn trộm khoai lang
Không những phải sống trong cảnh thiếu thốn tình thương do cha mẹ sớm ly hôn, chị em Việt Trinh còn phải vật lộn với cuộc sống cơ cực, nghèo khó. Nhưng mỗi khi nhớ về kỷ niệm đáng nhớ thời niên thiếu, Việt Trinh thường hay nhắc tới những trò nghịch ngợm với đám bạn cùng xóm.
Việt Trinh từng chia sẻ, khi còn nhỏ rất hay… ăn trộm và món “khoái trộm” nhất chính là khoai lang. Điều đáng lạ là dù được mẹ mua bao nhiêu khoai, Việt Trinh cũng không lấy làm thích thú. Bởi vậy, chị thường xuyên “đầu trò” rủ nhóm bạn trộm khoai lang về nướng. Thậm chí, vì ăn trộm nhiều quá, Việt Trinh bị hàng xóm gắn biệt danh “chúa ăn cắp”. Tới lúc bị mẹ phát hiện, Việt Trinh đã bị phạt bằng cách úp gáo dừa lên đầu.
Tăng Thanh Hà: Bán nước mía, giao cơm
Tăng Thanh Hà sinh ra trong một gia đình gốc Hoa tại Gò Công, Tiền Giang. Khi cô lên 10 tuổi, gia đình gặp khó khăn về kinh tế, ngay cả ngôi nhà cũng phải bán đi để trả nợ. Bởi vậy, Tăng Thanh Hà cùng gia đình phải bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó trong những căn nhà trọ chật chội và nhỏ bé.
Để có đồng ra đồng vào, cha mẹ Tăng Thanh Hà mở hàng bán nước mía lưu động và bán cơm. Mỗi buổi sáng, cô đều phải dậy sớm phụ mẹ và đạp xe giao cơm cho khách rồi mới đến trường. Tan học, cô lại chạy xe phụ ba mẹ bán nước mía. Hà Tăng kể: “Hôm nào trời nắng, nước mía bán chạy không sao nhưng hôm nào trời mưa thì mọi người lại tần ngần nhìn nhau thở dài”.
Minh Hằng: Bán quần áo hàng thùng
Tuổi thơ của “bé heo” Minh Hằng cũng không hề dễ dàng và phẳng lặng. Ba mẹ sớm ly hôn khi Minh Hằng còn nhỏ. Ba mẹ con Bé Heo phải sống cơ cực và khó khăn suốt một thời gian dài.
Để kiếm tiền mưu sinh, mẹ Minh Hằng mở một tiệm quần áo hàng thùng tạm ngoài chợ. Vì đi học chiều nên hàng ngày, Minh Hằng phải dậy sớm để phụ giúp mẹ mở và bán hàng sáng. Nhiều hôm mẹ đi lấy hàng giá gốc ở xa, một mình Minh Hằng phải mở hàng rồi đứng bán chào mời khách. Những khi trời mưa gió hay giông bão, cô còn phải lấy bản thân che để quần áo không bị ướt bởi nước mưa.
Đan Trường: Bán bánh mì, làm bút bi
Nhìn vẻ ngoài hào nhoáng, gương mặt kiểu “công tử bột” của Đan Trường, ít ai nghĩ rằng anh chàng cũng từng có một tuổi thơ đầy cơ cực.
Sinh ra trong một gia đình nghèo làm bút bi thủ công ở TP.HCM nên Đan Trường cũng có những năm tháng phụ giúp cha mẹ mưu sinh. Để kiếm thêm thu nhập, mẹ Đan Trường bán cả bánh mì. Và những khi không phải tới trường, chàng ca sĩ Mãi mãi một tình yêu đều ở bên cạnh phụ giúp mẹ bán bánh mì và làm bút bi.
Vũ Hoàng Điệp: Bán bún
Vũ Hoàng Điệp sinh ra và lớn lên tại Gia Kiệm (Đồng Nai) trong một gia đình không lấy gì làm dư giả. Cô tâm sự: “Nhà tôi nghèo lắm. Từ nhỏ mình đã phụ mẹ bán bún. Ngoài ra, Hoàng Điệp còn làm việc nhà, giữ em, chẻ củi và buôn bán. Tài sản lớn nhất bố mẹ dành cho mình là một chiếc xe đạp mà bây giờ bán đi chỉ được khoảng... 20.000 đồng.
Hàng ngày, dù trời mưa hay nắng, tôi phải dậy từ 5 giờ 30 sáng đạp xe hơn 20km đến trường. Nhà ở miền núi nên những ngày mưa thì đường lầy lội, những ngày đông thì rét căm căm, tôi cũng không có nhiều quần áo ấm để mặc nên người cứ run cầm cập. Nhưng tủi nhất là những hôm xe bị thủng xăm mà trong túi chẳng có một nghìn đồng để sửa, đành phải dắt bộ cả quãng đường dài”.
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin