Trò đời - Xã hội Việt Nam sau một thế kỷ, sự lố lăng vẫn còn nguyên?
Đạo diễn NSƯT Phạm Nhuệ Giang và chồng là NSND Nguyễn Thanh Vân vừa hoàn thành dự án phim Trò đời, bộ phim được viết kịch bản dựa trên 3 tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng là Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây và Cơm thầy cơm cô. NSƯT Nhuệ Giang cho biết, nữ đạo diễn đã làm bộ phim này với tất cả sự yêu kính, trân trọng dành cho cố nhà văn Vũ Trọng Phụng và các tác phẩm của ông.
Đọc kỹ những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, NSƯT Nhuệ Giang tâm đắc nhất là sự bi hài của xã hội thời ấy đã được khắc họa sinh động trong từng nhân vật, từng số phận. Và càng đọc, nữ đạo diễn càng thấy “thấm” khi những vấn đề xã hội Vũ Trọng Phụng viết từ đầu thế kỷ 20 vẫn mới cho đến tận bây giờ. Sau một thế kỷ, những bi hài giữa hai xã hội (xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 và xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 21) vẫn có những sự giống nhau kỳ lạ.
“Trong tác phẩm Cơm thầy cơm cô, nhà văn Vũ Trọng Phụng miêu tả mối quan hệ giữa những con sen, thằng ở với chủ nhà. Mối quan hệ ấy không đơn thuần là chủ-tớ, mà còn thể hiện biết bao rắc rối, hài hước giữa một xã hội suy đồi. Con sen là người tình của ông chủ. Rồi bản chất của những người nghèo bị tha hóa vì đồng tiền… Tất cả những chuyện ấy vẫn mới tinh đến hôm nay. Bây giờ, những “con sen, thằng ở” được gọi bằng cái tên khác là Osin. Mỗi quan hệ giữa Osin và chủ nhà cũng vậy, đầy những bi hài, phức tạp. Và sự tha hóa của con người trước đồng tiền- dù một thế kỷ đã trôi qua, vẫn giống hệt nhau”- NSƯT Nhuệ Giang phân tích.
Đọc Số đỏ, đọc Kỹ nghệ lấy Tây sẽ nhìn thấy một mặt khác tiêu biểu của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đầu thế kỷ 20, văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào Việt Nam, trong đó văn hóa Pháp- đời sống Pháp khi bước vào cuộc sống thuộc địa nửa phong kiến đã phá bung tất cả mọi lề thói, khuôn phép, biến xã hội đương thời thành một sân khấu hài kịch. Bắt đầu từ việc giới nhà giàu trưởng giả chơi quần vợt, bắt đầu từ những chiếc áo tân thời hở hang, bắt đầu từ cách yêu đương phóng túng… Từ những vẻ bề ngoài đến văn hóa bên trong con người đều thay đổi, đều tha hóa, đều bị cuộc sống phương Tây làm cho lu mờ, phóng túng.
Đứng giữa xã hội ấy, Vũ Trọng Phụng đã viết nên những tấn bi hài về cuộc đời. Ông châm biếm, đả kích với giọng văn tưng tửng, nhưng đằng sau mỗi con chữ là nỗi đau dân nước, nỗi đau đời. Vũ Trọng Phụng càng miêu tả sâu cay những thói học đòi, càng thể hiện nỗi đau mất mát- sự mất mát của văn hóa truyền thống.
“Cuộc sống của ngày hôm nay cũng như thế. Chúng ta cũng hội nhập. Văn hóa phương Tây đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội Việt Nam. Tất nhiên, trong quá trình du nhập, cũng có những điều tốt, cần học hỏi. Nhưng, sự ảnh hưởng văn hóa cần phải có thời gian thanh lọc. Và, khi chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hóa khác, phải càng trân trọng, hiểu biết, gìn giữ văn hóa dân tộc mình”- NSƯT Nhuệ Giang cho biết, khi chuyển thể tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh.
Nói như nữ đạo diễn, “Phụ nữ ngày nay mặc váy siêu ngắn, mặc váy hở hang… điều đó chẳng khác gì so với thời trang cách tân của những Phó Đoan, những Tuyết, những Hoàng Hôn… trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Những thay đổi chóng vánh diễn ra trên bề nổi, đằng sau bề nổi ấy là sự mất mát”.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang hy vọng, khi xem Trò đời, khán giả không chỉ nhìn thấy lại xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, mà còn nhìn thấy những tồn đọng bi hài như thế trong xã hội đương thời. “Khi cảm thấy mất mát, khi thấy văn hóa du nhập hoành hành, người ta sẽ muốn giữ gìn, muốn tìm hiểu, muốn trân trọng văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Giữa cuộc sống hỗn loạn thời du nhập, những giá trị sống cũng bị quên lãng. Mối quan hệ giữa người với người chỉ quẩn quanh với giả dối, bon chen, lọc lừa. Mối quan hệ giữa các nhân vật trong Số đỏ là một tấn bi kịch về tình người. Đây cũng sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong bộ phim Trò đời của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Ở đó, khán giả có thể cảm nhận được tính bi hài trong từng mối quan hệ, trong từng nhân vật, từng câu chuyện của phim.
Những nhân vật của Vũ Trọng Phụng đã trở thành nhân vật điển hình, nhân vật để đời trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20. Sự dâm đãng, giả dối của Phó Đoan, sự lưu manh của Xuân Tóc đỏ, sự lẳng lơ hư hỏng của Tuyết, sự trưởng giả dốt nát của Văn Minh, sự cổ hủ lỗi thời của cụ cố Hồng…. Những nhân vật ấy vẫn còn đầy ở ngoài kia, giữa xã hội đương thời.
Không khó để tìm thấy họ.
Hiền Hương
Xem thêm :Vũ Trọng Phụng, Việt Nam, Phạm Nhuệ Giang, Kỹ nghệ, Pháp, Văn Minh, Osin, Nguyễn Thanh Vân, Hiền Hương, Việt Bắc
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin