“Dính đến tứ đổ tường mới là nghệ sĩ” - quan niệm này đã khiến không ít nghệ sĩ rơi vào cảnh tan nhà nát cửa, tiêu tan sự nghiệp. Khi nghệ sĩ đã vướng vào, thành con nghiện rồi, muốn hoàn lương, làm lại từ đầu thật không dễ. Trong giới sân khấu cải lương, một số nghệ sĩđã từng mê cờ bạc mà tan nhà nát cửa. Nay nghe chuyện của ca sĩ Siu Black, họ chia sẻ đầy cảm thông.

Biết dừng lại


Vũ Linh tâm sự: “Tôi lớn lên trong một con hẻm mà tệ nạn xã hội đầy rẫy. Nếu không có nghề hát, chắc chắn tôi đã bị ảnh hưởng bởi hình ảnh hằng ngày đập vào mắt mình: gái điếm, cờ bạc, mua gian bán lận… Sau ngày đất nước thống nhất, những tệ nạn ở con hẻm đó đã được tẩy trừ. Tôi cũng đã xóa sạch quá khứ không tốt đẹp này. Tôi đã biết dừng lại đúng lúc để không sa vào việc say mê trò đỏ đen ảnh hưởng đến sự nghiệp. Ai cũng có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng nói rằng vì giải sầu mà dính chuyện đỏ đen là ngụy biện”.
“Tôi đã từng vướng vào nó, khi nhiều chuyện buồn trong đời ập tới. Mẹ tôi qua đời, người yêu đầu đời rời xa vì chê kép hát tỉnh… đã khiến tôi chôn vùi cuộc đời vào sòng bạc. Tôi mang ơn anh Tư và thầy tôi - NSƯT Diệu Hiền, những người đã làm cho tôi thức tỉnh” - NSƯT Vũ Linh bộc bạch.
Vũ Linh cho biết đến khi rời bỏ sòng bạc, số tiền anh nợ lên đến gần 1 tỉ đồng, chưa kể tiền nợ của người em - cũng vùi đời nghệ sĩ trong chiếu bạc. “Để có tiền trả nợ, tôi nhận quay phim video cải lương, mỗi ngày chỉ ngủ 3 giờ, còn lại thì giam mình trong phòng thu rồi ra phim trường. Tôi muốn làm lại từ đầu, rũ bỏ tất cả những ký ức đen tối. Lúc đó, tôi mới thấm câu nói của ông bà: Thắng bản thân mình thật khó” - anh bồi hồi.
NSƯT Vũ Linh cho biết chuyện ham mê cờ bạc của anh một phần cũng từ sự hâm mộ thái quá của một bộ phận khán giả yêu mến ngôi sao. “Đã từng có một đại gia tặng tôi tiền tỉ để đánh bạc giải sầu, rồi ngỏ ý cho tiền trả nợ nhưng tôi từ chối. Bởi lẽ, mang ơn khi ngặt nghèo túng khó thì dễ trả chứ xin tiền để trả nợ bài bạc biết khi nào mới ngóc đầu lên được?” - anh chân thành.
NSND Lệ Thủy kể: “Tôi biết Vũ Linh một thời rất đau xót mỗi khi nhắc đến sự kiện em trai mình vướng vào nợ. Nếu không phải là Vũ Linh đứng ra lo cho em, lấy uy tín điều đình với một số chủ nợ thuộc hạng giang hồ, có lẽ sự việc sẽ có nhiều diễn biến xấu. Đến nay, gia đình anh đã yên vui với gánh hát lưu diễn tại các tỉnh miền Trung, cho thấy sự “quay đầu là bờ” đã mang về cho gia đình anh niềm hạnh phúc. Cháu gái của anh đã thi đậu đại học, một cháu gái khác thì trở thành diễn viên điện ảnh. Đồng nghiệp đều chúc mừng anh”.
NSƯT Vũ Linh thổ lộ: “Hay tin cháu gái đậu đại học, tôi trào nước mắt. Trong gia đình tôi, có ai được học đến nơi đến chốn đâu! May mà các em tôi biết dừng lại, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc học của con cháu. Tối 5-9 này, cả nhà sẽ có một suất hát tại rạp Nam Quang, xem như vui vầy trong niềm hạnh phúc của gia đình sau bao giông bão”.

10 năm trả giá

Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan một thời được mệnh danh là “Thanh Nga” thứ hai. Khi thần tượng qua đời, chị được bà bầu Thơ (chủ gánh hát Thanh Minh - Thanh Nga) mời về thế một số vai diễn của cố NSƯT Thanh Nga. Tài sắc, cộng thêm sự giàu có của gia đình, chị đã đứng ra lập gánh hát riêng, làm trưởng Đoàn Cải lương Phước Chung danh tiếng một thời.
“Nhiều đại gia theo đuổi và mang cả bao tiền, vàng để tôi đánh bạc. Ban đầu, tôi cảm thấy thích, tuổi trẻ nên bồng bột, hiếu thắng, nổi máu ăn thua. Có những suất diễn, vé đã bán hết nhưng vì mê bài mà tôi hủy, cho nhân viên trả vé với lý do bị bệnh. Thế đấy, thời đó, cải lương diễn tại Nhà hát Hòa Bình mà bán hết vé nhưng tôi lại hủy diễn chỉ vì mê cờ bạc” - Kiều Phượng Loan ngậm ngùi.
“Chính ba tôi đã cho tôi một bài học. Ông mang đến tận sòng bạc một lá thư của khán giả. Trong thư, một học sinh viết kể gia đình ở tận Bình Phước. Để mua được 1 vé xem tôi diễn, em phải đi chăn bò dành dụm 3 tháng tiền công. Đạp xe lên TP HCM, em mua 1 vé ngồi hàng ghế cuối trên lầu Nhà hát Hòa Bình nhưng đêm diễn bị hủy. Em nghe nhân viên đoàn thông báo rằng tôi bị bệnh, suất diễn phải hủy. Em lo ngại cho sức khỏe của tôi, trong khi tôi lại lừa dối tình cảm mà em dành cho mình…” - Kiều Phượng Loan dằn vặt.
“Thấy tôi bùi ngùi, ba tôi nói: “Về với gánh hát đi con, đừng làm xấu mặt gia đình”. Cậu ruột của tôi là nghệ sĩ Út Hiền cũng đã nhiều lần khuyên can. Khi tôi dứt ra khỏi chiếu bạc, nợ nần đã giăng tứ phía. Tôi phải bán căn nhà trên đường 3 Tháng 2 để trả nợ, dọn về sống với cha già ở tận Gò Vấp” - bà nhớ lại.
Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan tâm sự: “Cái giá phải trả cho sự nông nổi đối với một nghệ sĩ quá lớn. Hơn 10 năm, tôi suy sụp tinh thần, vì nợ nần mà trốn tránh đồng nghiệp. Thời gian đó là một chuỗi ngày đen tối, sống ẩn dật và hối hận vô cùng. NSƯT Vũ Linh, nghệ sĩ Tú Trinh đã kéo tôi quay lại sàn diễn. Rồi bạn bè đồng nghiệp giúp đỡ thực hiện một live show đánh dấu sự quay lại của Kiều Phượng Loan, đến nay, tôi đã có thể tự tin mà gắn bó với nghề”.
Nghệ sĩ hài Hồng Tơ cũng một thời mê bài bạc. Anh kể với giọng hài hước: “Thời đó, sau tên Vũ Linh là kép chánh thì khán giả ùn ùn đến rạp vì cái tên danh hài Hồng Tơ. Hiếu thắng vì nghĩ mình đã “lên hương”, cộng thêm số đỏ nên tôi đánh bạc là thắng lớn. Tôi còn nhớ lúc đó diễn ở rạp Lao Động A, gần đến giờ mở màn mà tôi vẫn còn ở sòng bạc cách đó 2 km. Một nghệ sĩ đàn chị đã tìm đến chuộc tôi về vì nợ của tôi lên đến gần 2 chỉ vàng. Tôi đau lòng khi biết anh em trong đoàn hát đều không nhận thù lao suất diễn đó để gom tiền chuộc tôi. Tất nhiên, sau đó tôi đã hoàn trả số tiền cho đoàn nhưng lòng cứ áy náy. Trong đời tôi, đó là suất hát ra sân khấu giễu để khán giả cười, còn trong đầu thì trống không, mong cho 2 cánh màn nhung mau khép lại để chạy trốn thực tại do chính mình gây ra”.
NSƯT Vũ Linh khẳng định: “Chẳng ai làm giàu từ đánh bạc cả. Khi nghệ sĩ nào nghĩ đến việc sẽ đổi đời nhờ chiếu bạc thì xem như họ đang chạm chân đến bờ vực sâu”.