“Sư phụ mù” nổi danh Giọng hát Việt nhí
Ca sỹ của xóm lao động nghèo
Nữ ca sỹ bị mù đó chính là danh ca Quế Như, người từng được khán giả yêu mến gọi là “Hương Lan 2”. Quế Như không chỉ là cô ruột mà còn sống chung với gia đình Phương Mỹ Chi trong một ngôi nhà nhỏ có tới 18 nhân khẩu ở đường Mạc Vân, quận 8, TP.HCM. Dù bị căn bệnh tiểu đường “hành” tới mức mờ mắt nhưng cô gái này chưa bao giờ ngưng hát. Cô hát mọi lúc, mọi nơi… và chính giọng hát của cô đã “thắp” lên trong tâm hồn cô cháu gái tình yêu dân ca mãnh liệt. Cô cũng trở thành “diva” của các hộ gia đình trong xóm lao động nghèo nơi gia đình cô cư trú.
Quế Như bắt đầu con đường ca hát khi 10 tuổi, đúng bằng tuổi của bé Phương Mỹ Chi bây giờ. Hồi đó, mặc dù trong gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật nhưng vì yêu ca hát nên Quế Như đã cố gắng thuyết phục gia đình cho theo học hát tại Trung tâm giải trí Đại Thế Giới (hiện nay là Trung tâm Văn hóa quận 5, TP. HCM). Cũng trong môi trường này, cô được đến gần hơn với giọng hát của nữ ca sỹ Hương Lan qua những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Thế rồi, những giai điệu dân ca ngọt ngào của xứ sở đã ngấm sâu vào con người của cô lúc nào không hay.
Bao nhiêu mơ ước chưa thực hiện được, Quế Như đã truyền hết cho cô cháu gái Phương Mỹ Chi. Ảnh: TL
12 tuổi, Quế Như đã được Trung tâm cho xuất hiện ở nhiều sự kiện văn nghệ lớn. 14 tuổi, cô đã mạnh dạn đi theo ban nhạc để trình diễn ở các nhà hàng lớn nhất nhì Sài Gòn thời bấy giờ như: Tân Lạc Viên, Ái Huê, Á Đông… Mặc dù khi diễn ở các quán cà phê, nhà hàng… cô thường phải hát nhạc trẻ, nhạc mạnh nhưng cô vẫn dành tình yêu cho dòng nhạc dân ca và thể loại nhạc trữ tình. Vì vậy, được đồng cát xê nào cô lại dành dụm để mua những chiếc băng cassette có giọng hát của Hương Lan về nghe và tập theo.
Ở tuổi 19, cái tuổi đẹp nhất của người con gái và cũng là giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghiệp ca hát thì Quế Như lại phải đối diện với căn bệnh tiểu đường. Vì không có tiền chạy chữa nên chỉ trong một thời gian ngắn căn bệnh này đã khiến cô bị biến chứng khiến thị lực, mờ vĩnh viễn 90%.
“Thời điểm đó, tôi suy sụp tinh thần kinh khủng lắm. Bao ước mơ và hoài bão tan như bong bóng. Tình yêu, sự nghiệp, cuộc sống…chìm dần trong một màn đen mờ đục. Tôi thấy mình sống mà như đã chết nên tìm cách quyên sinh nhưng số kiếp đã không cho tôi được toại nguyện”, Quế Như chia sẻ.
Ca sĩ Hiền Thục trong lần đến thăm nhà ca sĩ Quế Như.
“Sống lại” cuộc đời trong cô cháu gái
Nhắc đến cô cháu gái, Quế Như hào hứng kể đủ chuyện. Cô cho biết, Phương Mỹ Chi rất ngoan, sống sâu sắc và tình cảm. Trên Phương Mỹ Chi còn một chị gái năm nay học lớp 11. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba làm thuê cho một tiệm photocopy, má bán chè ở gần chợ Chí Nghĩa… Phương Mỹ Chi lúc nào cố gắng đỡ đần ba má. Quế Như biết Phương Mỹ Chi thích hát từ năm lên 5 tuổi. Tuy nhiên, phải lên 7 tuổi thì cô bé này mới bộc lộ năng khiếu một cách rõ nét. Từ đó, cô dồn hết mọi tâm sức và kinh nghiệm của mình để luyện hát cho cháu gái.
Hàng ngày, sau những giờ đi học hoặc làm phụ mẹ, hai cô cháu lại quây quần ở chiếc bàn sắt bên hông nhà để say mê với những giai điệu dân ca ngọt ngào của đất phương Nam. Vốn có năng khiếu từ nhỏ lại mang một tình yêu mãnh liệt với các làn điệu dân ca vì thế Phương Mỹ Chi tiếp thu rất nhanh các bài học về kỹ thuật luyến láy, cách lấy hơi, nhả chữ, cách lấy cảm xúc… mà cô Út dạy dỗ. Có lẽ vì thế mà ngay cả khi hát chơi Phương Mỹ Chi cũng hát rất tròn trịa và đong đầy cảm xúc.
Thời điểm Phương Mỹ Chi đăng kí tham gia Giọng hát Việt nhí, Quế Như vui mừng khôn xiết. Bao ước mơ đã bị dập tắt bấy lâu nay bỗng dưng “vụt” dậy. Hôm phát sóng phần biểu diễn của Phương Mỹ Chi, Quế Như hồi hộp như chính mình đi thi. Cô kéo ghế sát màn ảnh nhỏ để nghe rõ từng lời hát của cháu gái. Và trái tim cô thực sự vỡ òa khi nghe tiếng nhấn nút “chọn” của 4 vị HLV.
Đến vòng Đối đầu, vì ca khúc “Đất phương Nam” được giao vào phút cuối nên cả hai cô cháu không có nhiều thời gian để luyện tập kỹ. Thời điểm đó, bệnh tình Quế Như lại trở nặng và được yêu cầu nhập viện nhưng cô không chịu vì sợ không có ai dạy Mỹ Chi.
Phương Mỹ Chi và cô Út – người truyền lửa âm nhạc dân tộc cho cô bé.
Cô cho biết: “Hôm ngồi dạy con bé hát mà tôi không thở được. Nhưng không biết vì trời thương hay sao, mà phần trình diễn của Mỹ Chi tại đêm đó lại cứng cáp hơn rất nhiều. Bữa đó coi mà cả nhà muốn đứng tim. Khi cháu được ca sỹ Hiền Thục chọn, tôi vui quá nên đỡ bệnh đến bây giờ”.
Quế Như cũng chia sẻ, sau khi biết rõ hoàn cảnh của cô thông qua cháu gái, cô được nhiều người quen mời đi hát ở các đám cưới, quán cà phê nhỏ... Dù số tiền không là bao nhưng cô đã có được niềm tin để sống lạc quan hơn. Đặc biệt, cô lại có thể nuôi hy vọng tự thu âm được những bài hát đã gắn bó với mình trong những năm tháng kỷ niệm.
“Cứ ngỡ, cuộc đời sẽ lấy đi của tôi tất cả, sức khỏe và niềm vui. Nhưng không ngờ cuộc đời lại “bù” lại cho tôi cô cháu gái Mỹ Chi. Mỹ Chi là tôi của 30 năm trước. Cháu đồng thời là niềm tự hào, là nguồn sống của tôi hiện tại. Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi. Nếu còn sống nhiều năm thì không nói gì, trường hợp còn 1, 2 năm nữa, đến một ngày không còn sống trên cõi đời, tôi chỉ hy vọng ca sĩ Hương Lan sẽ nghe được giọng ca của Mỹ Chi và dang rộng tay đón con bé về và tiếp tục dạy. Trong lòng tôi chỉ ao ước như vậy, chỉ mong Mỹ Chi viết tiếp ước mơ đã bị dập tắt của tôi…”. (Nữ ca sỹ mù Quế Như)
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét