Hà Trần: Làm âm nhạc da phải dày!
Chị nghĩ sao khi sẽ ít nếu không nói là không có cơ hội hát những bài trong album hợp tác với Đỗ Bảo vừa ra mắt ở nơi mình sống?
Chả cứ đến Đỗ Bảo mà những tên tuổi thuộc hàng “tiền bối” bên Việt Nam cũng ít được nhắc tới, trừ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9... - tức là những người sống ở miền Nam. Đời sống ở đây là một dòng chảy khác, hoài cổ. Nếu có đón nhận nhạc sĩ mới thì thường là nhạc giải trí, thị trường.
Cánh cung 3 phải trải qua thời gian cấp phép lâu hơn vì có “yếu tố nước ngoài” là Hà Trần. Ảnh: Trọng Đức.
Khi không có đủ môi trường cho mình thể hiện, nghệ sĩ như chị cảm thấy bứt rứt?
Tôi thấy bình thường. Tôi có khả năng tách bạch đâu là việc làm cho sự nghiệp- tức là tạo ra những đỉnh cao mới, thách thức mới cho bản thân, chí ít cũng củng cố danh tiếng, cá tính, lương tâm âm nhạc. Và những việc tôi làm cho số đông, để tồn tại, sinh nhai một cách đàng hoàng, không rẻ rúng. Không thức thời và không bình tĩnh thì chết.
Chị có thể nói rõ thêm?
Tôi thấy, chúng ta đang sống trong thời đại thông tin quá nhiều, từ có điều khiển tư tưởng cố ý, đến thông tin cá nhân mà mỗi chúng ta “ụp” mặt vào mỗi ngày làm con người sống gấp gáp và trở nên ảo tưởng, phù phiếm, sân si, ít thực sự quan tâm đến nhau hơn. Trong cái thực tế đó, viết/hát- bỏ công hàng năm để làm nhạc “ra vấn đề” như Đỗ Bảo thường rơi vào cảm giác ném đá tầng không. Cứ tưởng tượng nhạc đó với quý vị chỉ là những âm thanh, với chúng tôi là cánh cửa mở tâm hồn vốn khép kín. Cái phòng ấy đẹp nhất trong nhà mình, nhưng mong manh nhất, dễ rạn vỡ nhất. Trưng ra rồi người ta đi qua ngó ngàng bình phẩm, có khi cười hô hố (ẩn dụ này không tính đến người hâm mộ)... Tôi thường nhắc Bảo, tĩnh tại chưa đủ, da phải dày mới làm nghề này được.
Có vẻ như Hà đã trút rất nhiều tâm sức vào đĩa làm với Bảo và đang muốn người nghe hiểu cho điều đó?
Không. Tôi làm đĩa này nhàn nhất. Vì Bảo đã viết hết các bài, tôi chỉ xác nhận hát bài nào, kiểu gì... Đĩa này là sự hợp tác, cộng hưởng, nên tôi không nhân nhượng, dễ dãi, nhưng vẫn tôn trọng “cái tôi” của người viết. Tôi đã quá quen nhìn mình trong mắt mình, lần này muốn thấy mình qua lăng kính của người khác. Cái cách Bảo phản chiếu tôi cũng có thể là điều nhiều người muốn nhìn thấy ở tôi. Biết đâu?
Tâm trạng có phần u ám như trên phải chăng còn nảy sinh từ tình trạng sản phẩm âm nhạc bị chôm trỉa tràn lan trên mạng? Ở Mỹ, chắc nghệ sĩ yên tâm làm việc hơn khi tác quyền được đảm bảo?
Đó chỉ là một trong muôn vàn lý do. Sâu xa hơn là nhiều trải nghiệm, sẽ bớt lý tưởng hóa cuộc đời. Ai chẳng thế. Có điều mình làm nghệ thuật thì phải phản ánh đời sống qua một lăng kính không quá bi quan, bởi mình là người chắt lọc mà. Cái phao cứu hộ của con người là niềm tin. Tin vào sự tốt đẹp.
Về bản quyền, do theo luật pháp Mỹ, nên nghệ sĩ Việt Nam bên đó cũng được đảm bảo hơn chút xíu khi đẩy được sản phẩm qua những kênh thương mại chung. Nhưng vẫn bán cho người Việt thì thị phần cũng rất nhỏ. Đến trung tâm ca nhạc vốn lớn cũng lao đao vì sản phẩm bị sao chép trái phép, đành phải sống nhờ tổ chức show bên ngoài, mở đài truyền hình rồi kiếm tiền qua quảng cáo...
Ca sỹ Hà Trần
Hà nghĩ sao khi lớp khán giả Việt Nam ở hải ngoại vợi đi, rồi sẽ không còn ai để nghe nhạc trước 75 nữa. Lúc đó các nghệ sĩ ở hải ngoại sẽ làm gì?
Chắc kinh doanh, hoặc hồi hương (cười). Đùa thế chứ trước khi qua đời, khán giả lớn tuổi đã kịp truyền tình yêu nhạc xưa cho con cháu. Nên lớp trẻ 20+ vẫn lại tiếp tục hát tình ca trước 75. Có thể thị phần sẽ nhỏ đi thôi.
Liệu có khả năng để nhạc Việt trong nước hòa với nhạc Việt hải ngoại thành một dòng?
Có thể sẽ là một thị phần hòa nhập nào đấy nhưng hoàn toàn thì không. Ở đây dù người ta nói tiếng Việt nhưng với cảm quan không giống như trong nước. Các đề tài nhạc trong nước đơn giản kiểu toàn cầu hóa thì được, tư duy cá nhân đậm đặc như Đỗ Bảo, Trần Tiến hay một vài nhạc sĩ khác, tức là rất bám sát với đời sống Việt Nam thì lại xa vời ở đây.
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét