Sự thật về vấn nạn kỳ thị trong K-Pop
K-Pop nói riêng và làn sóng văn hóa Hàn Quốc nói chung như cơn bão ồ ạt lan rộng khắp các châu lục. Những ca sỹ, ban nhạc xứ Kim chi được hàng trăm triệu người trên thế giới hâm mộ, coi là thần tượng. Những bản hit của họ được cả trẻ em nước ngoài học và hát theo say sưa. Nhưng ánh hào quang của K-Pop được ngợi ca, tung hô sẽ dễ khiến người ta bị lu mờ và không nhìn thấy những mặt trái hiện hữu, nổi cộm. Đằng sau đó là những bản hợp đồng nô lệ, những trại huấn luyện tân binh, những nhan sắc bị cầm tù, sự kỳ thị chủng tộc, việc mua danh bảng thành tích, là máu và nước mắt vì những bất đồng nội bộ … đã bị phanh phui. Loạt bài dài kỳ về Mặt trái của K-Pop sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn tổng hợp, đa chiều về những mảng tối đang bao trùm lên những ban nhạc, ca sỹ thần tượng hiện nay của làng nhạc Hàn. |
Kỳ thị chủng tộc trong K-Pop
Vụ kỳ thị chủng tộc gây bức xúc nhất thời gian gần đây chính là việc sao nhí Hwang Min Woo bị phân biệt đối xử chỉ vì mẹ em là người Việt Nam. Trên dưới 10 thành viên của một diễn đàn online Hàn đã buông những lời miệt thị về nguồn gốc gia đình của em. Không chỉ gọi Min Woo bằng những từ ngữ xúc phạm, coi em là “thứ rác rưởi”, “tạp chủng” mà những cư dân mạng này còn lên tiếng kêu gọi các thành viên người Hàn khác tẩy chay em ra khỏi làng giải trí.
Bé lai Việt - Hàn Hwang Min Woo nổi tiếng từ sau khi xuất hiện trong MV Gangnam Style
Vụ việc không chỉ được báo chí công bố mà còn được đăng tải trên truyền hình Hàn Quốc. Phần lớn người dân Hàn đều phản đối hành vi kỳ thị chủng tộc này.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng vụ việc xảy ra vẫn chưa có kết quả điều tra chính thức từ phía cảnh sát Hàn Quốc. Công ty quản lý và gia đình bé lai Việt-Hàn đã bước đầu nhận được những lời xin lỗi qua điện thoại của một số cư dân mạng liên quan tới vụ kỳ thị. Nhưng công chúng, đặc biệt là cộng đồng người Việt vẫn cần một bản án trừng trị thích đáng với những thành phần xấu để nêu gương hơn là những lời xin lỗi thoảng ngoài tai.
Vì có mẹ là người Việt Nam mà bé Min Woo bị một số cư dân mạng Hàn xúc phạm
Bà Thu Trang, một quan chức người Việt Nam của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, đưa ra quan điểm: “Do Hàn Quốc vốn là một dân tộc thuần nhất, không có nhiều dân tộc như chúng ta, do vậy đối với một số đối tượng bảo thủ thì việc xuất hiện một thế hệ thứ hai với một nửa dòng máu đến từ các dân tộc khác là một điều khó chấp nhận và ở một vài trường hợp tiêu cực, xuất hiện tình trạng kì thị nguồn gốc nói trên. Những kì thị này xuất hiện đối với các gia đình đa văn hóa chứ không riêng gì với các gia đình chồng Hàn vợ Việt”.
Trước đó, một game show thực tế của Hàn Quốc năm 2012 cũng khiến người dân Trung Quốc bất bình. Trong thời tiết giá lạnh, MC Hàn đã bắt những người chơi Trung Quốc là nữ nghệ sỹ Ứng Thái Nhi, nam diễn viên Trần Tiểu Xuân và nhiều người nghệ sỹ Trung Hoa khác phải ngâm mình trong nước. Trong khi đó những nghệ sỹ Hàn Quốc chỉ việc đứng xung quanh và còn cất tiếng cười nhạo.
Kỳ thị ngay trong chính nội bộ K-Pop
Ngay cả giữa những thành viên người Hàn với nhau cũng xảy ra việc bắt nạt, kèn cựa để “dìm hàng”. Không ít những vụ scandal bắt nạt thành viên của các nhóm nhạc nữ đình đám trong K-Pop bị vỡ lở, gây mất niềm tin.
Nổi cộm nhất là vụ việc thành viên Hwa Young nhóm T-ara trở thành nhân vật chính của câu chuyện “dìm hàng” bởi chính các đồng đội. Tháng 7/2012, sau một loạt những dẫn chứng được cư dân mạng tổng hợp để tố cáo nghi án Hwa Young bị bắt nạt tập thể, giám đốc điều hành công ty quản lý bất ngờ ra tuyên bố chấm dứt hợp đồng đơn phương với nữ ca sỹ này.
Hwa Young (áo đỏ) bị các thành viên trong cùng nhóm phân biệt đối xử
Cho dù bản thân Hwa Young khẳng định “chẳng có sự thật nào ở đây” và các thành viên khác của T-ara vẫn khóc mỗi khi nhắc đến scandal nội bộ lục đục nhưng những người hâm mộ đã không khỏi thất vọng vì việc thiếu đoàn kết trong nhóm nhạc Hàn. Không ít những nghi ngờ về sự thật đằng sau những câu cười đùa vui vẻ hòa đồng của những boyband, girlband thần tượng.
Đó là chưa kể những cuộc đấu đá giữa các nhóm nhạc, ca sỹ với nhau. Cuộc chiến ngầm nhưng khốc liệt đó diễn ra không chỉ giữa các nhóm của các công ty giải trí khác nhau mà còn hiện hữu giữa các “gà nhà”.
Nếu như fan K-Pop đã quen thuộc với những màn cạnh tranh giữa DBSK và Big Bang của những năm trước thì cũng không xa lạ gì với việc hai “gà nhà” F.T.Island và CNBLue của FNC Music tranh nhau vị trí đứng đầu trong công ty.
Việc những nhóm nhạc “sinh sau” luôn bị so sánh, đối chiếu với đàn anh, đàn chị đi trước mô hình chung trở thành nguyên nhân chính của việc bất hòa, muốn đấu đá để chứng tỏ mình không hề thua kém.
SNSD và Wonder Girls luôn có một cuộc chiến ngầm
Wonder Girls của JYP Entertainment và SNSD của SM Entertainment luôn được xem là “kỳ phùng địch thủ” bởi cả hai nhóm nhạc nữ đều đứng vị trí top của K-Pop và chẳng ai muốn bị coi là lép vế. Cho dù các thành viên của hai ban nhạc nữ luôn cố gắng thể hiện giữa họ là một tình bạn đẹp nhưng những tin đồn bất hòa vẫn tồn tại như một lẽ tất yếu.
Sự cạnh tranh khắc nghiệt trong K-Pop chính là biểu hiện rõ nét của mối bất hòa, kèn cựa, sẵn sàng đạp đổ nhau để vươn lên.
Kỳ thị giữa các cộng đồng fan club
Việc đấu đá còn tồn tại ngay trong cộng đồng fan hâm mộ của các nhóm nhạc thần tượng K-Pop. Đó là những mối bất hòa, kỳ thị với fan của các nhóm nhạc đối thủ, hoặc thậm chí là fan của nhóm nhạc khác cùng thuộc công ty chủ quản.
Đáng sợ nhất chính là việc cộng đồng người hâm mộ kêu gọi nhau lập “biển đen” tẩy chay fan và ngôi sao các nhóm nhạc khác. Điều mà lịch sử K-Pop gọi đó là “black ocean” (biển đen tàn nhẫn).
Black ocean đáng sợ đã xảy ra vào đêm nhạc Dream Concert năm 2008
Sau ánh đèn K-Pop hào nhoáng, những người yêu nhạc vẫn không thể quên câu chuyện đau lòng dành cho nhóm nhạc nữ SNSD trên sân khấu Dream Concert năm 2008.
Bắt nguồn từ những tranh cãi của một nhóm fan SNSD và các fan khác trước đêm diễn, một số fan nam của 9 cô gái chân dài đã mạnh mồm tuyên bố trên mạng về việc SNSD không cần các fan nhóm khác cổ vũ vì SNSD là số 1. Không những thế, những dèm pha về các nhóm nhạc đàn anh khác trong đó có cả Super Junior, DBSK, SS501… của cộng đồng fan cuồng này đã tạo một mồi lửa đối với các fan khác.
Cuộc trả đũa bắt đầu khi SNSD bắt đầu biểu diễn. Những người đứng đầu của các fan club các nhóm nhạc khác ra hiệu lệnh “Im lặng”, đồng thời tất cả các fan tắt hết light-stick (đèn cổ vũ). Chỉ có duy nhất các SONE (fan của SNSD) cất tiếng cổ vũ yếu ớt. Tất cả khán đài như chìm vào một màn đen im ắng. SNSD đã phải hoàn tất màn biểu diễn trước một biển đen tàn nhẫn, đau đớn.
Video ghi lại cảnh "biển đen" mà SNSD phải hứng chịu
Chưa dừng ở đó, những lộn xộn cãi vã và bạo lực đã xảy ra giữa cộng đồng fan SONE và các fan khác. Xuất hiện nhiều tin đồn không hay về việc fan cuồng của SNSD giở trò quấy rối tình dục và mang dao vào khán đài để trả đũa và xé các banner của các fan club khác. Tất cả đều xuất phát từ thái độ ngạo mạn của một số fan cuồng ấu trĩ đã làm ảnh hưởng đến chính thần tượng của họ là 9 cô gái Girls’ Generation.
Hình ảnh chụp lại được việc một fan nam SNSD mang dao vào trong sân vận động
Một vụ "Hooligan" xảy ra giữa cộng đồng fan SNSD và các fan club khác trong Dream Concert 2008
Sự việc “biển đen” của Dream Concert 2008 trở thành nỗi đau với chính cộng đồng fan K-Pop. Khi mà sự kỳ thị giữa các cộng đồng fan club lên cao đỉnh điểm bởi những fan cuồng thì khó ai có thể ngăn cản được sự bộc phát của họ. Dễ hiểu vì sự bất bình này thuộc về hàng nghìn người và ai cũng muốn khẳng định thần tượng của mình là số 1. Họ không cho phép bất kỳ ai được xúc phạm hay "dìm hàng" thần tượng.
Tất cả những điều đố kỵ, kỳ thị, phân biệt đối xử đó giữa các ngôi sao, các fan đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Song đó cũng là một thực tế mà K-Pop đang phải đối mặt.
mat trai kpop, ky thi trong kpop, ca si, ca nhac, ngoi sao, bao ngoi sao, giai tri, showbiz, bao, vn
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét