Tác giả Đinh Đức Cường và “Gã thợ săn”
(GDVN) - “Gã thợ săn” là tên một tập truyện ngắn do NXB Hội Nhà văn Việt Nam mới giới thiệu. Nội dung các tác phẩm chứa đựng hơi thở mãnh liệt cuộc sống đương đại VN.
Chiều ngày 29/8, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam có buổi giới thiệu tập truyện ngắn mới mang tên “Gã thợ săn” của tác giả Đinh Đức Cường.
Đinh Đức Cường là một thiếu tá quân đội. Ông sinh năm 1952 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và hiện đang là Chi hội trưởng Chi hội văn học tỉnh.
Đinh Đức Cường mạnh về truyện ngắn, đặc biệt là những câu chuyện gắn liền với đời sống vùng mỏ. Tập truyện “Gã thợ săn” gồm 10 truyện ngắn. Đọc những truyện ngắn này, độc giả có thể cảm nhận muôn màu cuộc sống đương đại hiện lên qua tính cách, lời thoại của từng nhân vật.
Như nhà phê bình văn học Bùi Viết Thắng đã viết, Đinh Đức Cường phải có một vốn sống “vạm vỡ” lắm mới viết được những truyện ngắn như: Gã thợ săn, Lên núi, Trái cam vàng rỉ máu, Bão than, Hai chiếc nhẫn…
Vốn sống ấy là kết quả của sự trải nghiệm đời sống đến mức “thấu thị”. Đời sống đương đại hiện lên trong truyện ngắn của Đinh Đức Cường như nó vốn có, gồ ghề và góc cạnh, chói gắt và bạo liệt, ào ạt va đập và cuồn cuộn chảy.
Tác giả Đinh Đức Cường. Ảnh: Viết Cường |
Những truyện ngắn trong “Gã thợ săn” mạnh về chi tiết, những chi tiết xác thực, gây ấn tượng và có thể là ám ảnh (trong những truyện như Thằng Koong, Lên núi, Gã thợ săn, Người đàn bà của biển).
Nhưng đôi khi cũng vì quá ham mê chi tiết nên có lẽ tác giả đã chớm đến tự nhiên chủ nghĩa. Như cách miêu tả lối làm tình của ông đạo diễn với Khánh Ly trong “Dốc thời gian”, hoặc cái thú cho chó liếm ngực của người đàn bà trong “Lên núi”…
Đọc truyện của Đinh Đức Cường, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã phải thốt lên rằng tác giả thật xa lạ với các thứ lí thuyết. Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, Đinh Đức Cường dường như chỉ có sống và viết từ những trải nghiệm của bản thân.
Truyện ngắn của Đinh Đức Cường khá “nặng ký” về chất sống. Con người thời đại với tất cả những dục vọng cứ lồ lộ trên từng trang sách - đó là Khánh Ly, người đẹp nổi loạn (Dốc thời gian), là Sơn với khát vọng làm giàu nhưng bị quả báo (Trái cam vàng rỉ máu), là Thị với khát vọng tiền tài và trở thành công dân thủ đô (Bão than),… Họ sống đến tận cùng của bản năng, vì tình, vì tiền và vì tất cả những gì có thể cám dỗ con người.
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét