Văn công Bucarest đi chiến dịch
“Tiền thân” của đoàn văn công này chính là đoàn đại biểu thanh niên do Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam - nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh- lựa chọn tham dự Đại hội Thanh niên Thế giới lần 3 diễn ra tại Bucarest.
Đoàn văn công Bucarest biểu diễn trên đường chiến dịch. Từ trái qua: Lương Ngọc Trác, Tạ Điền, Trúc Thúy, Phan Hồ, Cát Giao
Ba nước giúp một đêm văn nghê
Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam được cử đi dự Liên hoan Thanh niên Thế giới tại Rumani 1953 có khoảng 40 thành viên là đại diện ưu tú trên nhiều lĩnh vực, trong đó 7 người chuyên trách phần văn nghệ. Khi đó, chiến tranh Triều Tiên vừa kết thúc. Nhân thời cơ này, Bác Hồ và Chính phủ ta giao cho đoàn nhiệm vụ tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho cuộc kháng chiến của chúng ta.
Vì vậy ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, hội thảo…, đoàn ta sẽ tổ chức chương trình văn nghệ. Chỉ đoàn nào có lực lượng nghệ sĩ hùng hậu mới “dám” làm đêm nghệ thuật. Ta neo người nên hầu như các thành viên công nông binh đều được huy động lên sân khấu.
Điệu múa “Tây Bắc lại tươi vui”
Được giao nhiệm vụ, anh em hăng hái tập luyện. Nhưng không có nhiều nhân tố nên thành quả khá hạn chế. Theo lời kể của ông Nguyễn Cát Giao- khi đó là đại biểu đại diện học sinh thiếu nhi - thì sau khi xem chương trình văn nghệ báo cáo, Bác nói với lãnh đạo đoàn: “Nếu biểu diễn không tốt lắm thì thôi cũng được”. Câu nói của Bác càng làm cho các thành viên thêm quyết tâm.
Tháng 8 đại hội mới bắt đầu, nhưng đoàn đã lên đường từ tháng 6 để giao lưu và tập huấn ở vùng Tân Cương- Trung Quốc và Liên Xô. “Trung Quốc không cử người giúp mình tập văn nghệ nhưng may quần áo, cho nơi tập”, ông Giao kể.
Sang Liên Xô, đoàn được dẫn đến trường múa hiện đại nhất Matxcơva, gặp hai nghệ sĩ công huân. Xem mình diễn xong, họ múa lại với sự biểu cảm sâu sắc hơn hẳn. Sau chưa đầy 3 giờ đồng hồ làm việc với thầy cô, tâm lý biểu diễn của diễn viên ta đã có sự thay đổi về chất.
Tới Bucarest, đoàn xin được hẳn dàn nhạc giao hưởng Đài Phát thanh Bucarest tới đệm giúp. Khán giả chật cứng nhà hát trong đêm văn nghệ của Việt Nam. Kết thúc chương trình, hàng nghìn khán giả (chủ yếu là người Pháp) đứng dậy vỗ tay, hô vang: “Paix au Vietnam!” (Hòa bình cho Việt Nam!). Chương trình còn được tái diễn nhiều lần tại quảng trường vào ban ngày cho dân chúng xem.
Một sự kiện đáng nhớ khác do đoàn Việt Nam “gây” ra trong cuộc diễu hành tại sân vận động. Cuộc diễu hành diễn ra tuần tự, bình thường, cho đến khi đoàn Việt Nam xuất hiện. Mấy trăm đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp lập tức chạy tới nhập vào đoàn Việt Nam, công kênh các bạn Việt Nam và hô vang: “Paix au Vietnam!”.
Điện Biên vẫy gọi
Về nước, đoàn một lần nữa được diễn cho Bác xem. Xem xong Bác nói: “Các cháu có tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ! Bây giờ phải đem kết quả đó đi phục vụ bộ đội, dân công ngoài tiền tuyến”.
Tháng 10/1953, từ Tuyên Quang, đoàn Bucarest lên đường đi Điện Biên Phủ. Đoàn gồm khoảng 20 thành viên: Nguyễn Thành, Song Ninh, Bạch Trà, Chí Hiếu, Bùi Trực, Cát Giao, Phan Hồ, Nguyễn Tuệ, Trúc Thúy… do hai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Lương Ngọc Trác dẫn đầu.
Lưng đeo ba lô, vai vác túi gạo, đàn sáo và các đạo cụ biểu diễn. Ngày nghỉ, đêm hành quân theo bộ đội. Bà Trúc Thúy nhớ lại: “Mỗi đêm đi mấy chục cây, bom đạn lại ngừng. Đúng như trong phim đấy, bộ độ dân công đi như trảy hội. Lúc nào cũng hò lơ hó lơ...”. Sau gần một tháng, đoàn có mặt ở mặt trận. Việc đầu tiên là đến biểu diễn chào Tổng quân ủy và Bộ chỉ huy mặt trận, sau đó đoàn được chỉ thị đi phục vụ các sư đoàn 312, 308, 351…
Đoàn thường diễn vào 5 giờ sáng, khi sương mù còn nặng và máy bay địch chưa hoạt động. Mỗi ngày, phục vụ 3-4 suất diễn. Mỗi lần diễn cho lượng khán giả cỡ vài tiểu đội trung đoàn tới. Không có phông màn, sân khấu là khoảng đất bằng được phát sơ cây cỏ, thường ở dưới thung lũng, bộ đội ngồi trên sườn đồi xem.
Sau một đêm làm việc, hành quân vất vả, bộ đội thường đã thấm mệt nhưng vẫn cổ vũ nhiệt tình. Đoàn trình diễn bài Hành quân xa, bài ca ngợi anh hùng Nguyễn Thị Chiên, bài Nhị Lang Sơn của Trung Quốc và các bài của Liên Xô, Rumani... Múa thì có múa nón, múa mừng chiến thắng Tây Bắc, múa Tân Cương (Trung Quốc), múa Tatar (Liên Xô), múa dạ hội Rumani…
Trong đoàn văn công Bucarest có 4 người chưa từng đến Bucarest. Đó là Phan Hồ, Tạ Điền, Nguyễn Tuệ và Trúc Thúy. Hai người hiện sống ở Hà Nội là Đặng Thị Trúc Thúy và Phan Hồ. NSƯT Phan Hồ là đạo diễn chèo nổi tiếng - với vở Cô Son đình đám một thời. Ở tuổi 80, ông vẫn làm đạo diễn, dẫn đoàn ca múa nhạc đi biểu diễn các nơi.
Bà Trúc Thúy tại tư gia. Ảnh: N.M.Hà
Rời đoàn, Trúc Thúy về văn công 308 cùng Lương Ngọc Trác và Nguyễn Thành (sau này là tác giả Qua miền Tây Bắc và Cảm xúc tháng Mười). Bà Thúy được cử đi học khóa đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam, nhưng rồi lại chuyển qua Bách khoa, học Hóa. Bà công tác tại công ty Cao su Hà Nội trước khi nghỉ hưu. Nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã giao cho bà ghi chép lại những hồi ức về văn công Bucarest. Chưa kịp công bố thì nhạc sĩ đã qua đời vì bệnh tim.
Ký ức không phai
Nhận được giấy báo được chọn đi dự Đại hội Thanh niên Thế giới, Nguyễn Cát Giao- học sinh lớp 8, trường Hùng Vương, Phú Thọ được một anh đoàn viên hộ tống lên Trung ương Đoàn ở Tân Trào. Trong thời gian chờ đợi, không có việc gì làm, thấy mấy chị văn công tập múa, Giao cũng ra tập cùng. Rồi một cách tự nhiên, Giao được biên chế vào hai tiết mục múa, trong đó múa nón thiếu nữ, Giao đóng thế luôn.
Ông Nguyễn Cát Giao trong chuyến công tác Mỹ tháng 5/1997 khi đương chức Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế- Bộ NN&PTNT
Diễn chương trình báo cáo Bác khi đoàn từ Bucarest trở về xong, Giao đang thay trang phục nữ trong hậu trường, bỗng có ai đó chạm vào vai: “Cháu làm tốt!” Quay lại, hóa ra là Bác. Dứt lời, Bác đi ngay. Bất ngờ và xúc động, Giao chẳng kịp nói gì.
Trong một bài thơ, bà Thúy viết: “Bánh chưng thịt ngựa vui ăn Tết/Đồ hộp lương khô địch thả dù/Bộ đội ăn no quyết đánh thắng/Quân thù giặc Pháp phải thua ta”.
Đi diễn ở Điện Biên, diễn viên không phải phàn nàn gì về khoản ăn uống. Đi đến đâu cũng có bộ đội hoặc dân bản cấp dưỡng, thường xuyên có gạo nếp và các loại thịt để ăn. Trung ương Đoàn còn cử 4 thanh niên xung phong đi theo phục vụ. “Các anh nhiệt tình, chu đáo lắm. Nhạc cụ, quần áo biểu diễn, nồi niêu xong chảo các anh mang hết. Đến đâu lại đào bếp Hoàng Cầm đến đấy”, bà Thúy nhớ lại.
“Đó là những ngày gian khổ, dưới làn bom đạn, trèo đèo lội suối, mưa rét không nề, rất phấn khởi và khó quên với mỗi chúng tôi”, bà Thúy nhớ lại. Mặc dù nhiều lúc máy bay địch nã súng ngay trên đầu. Chứng kiến cảnh chiến sĩ ta trúng đạn, hy sinh nhưng diễn viên vẫn không hề gì. Sau khi tham gia văn công chiến dịch, Cát Giao trở về trường học tiếp. Rồi cậu được triệu tập về tiếp quản Thủ đô và cùng vài anh chị đại biểu khác đi khắp các trường học ở Hà Nội kể về Đại hội Thanh niên Thế giới và “đoàn văn công Bucarest”.
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
Âm nhạc, Múa, Nghệ thuật, phim
0 nhận xét:
Đăng nhận xét