Đảo hóa trái phép Gạc Ma không giúp Trung Quốc có thêm 200 hải lý
(GDVN) - Chính Trung Quốc lại đang phản đối Nhật Bản đòi áp dụng quy chế đảo cho 1 đảo nhân tạo ở rặng san hô Okinotorishima trên biển Philippines.
Trung Quốc đổ đất cát đắp nền trái phép tại đá Gạc Ma hòng biến nó thành đảo nhân tạo, phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. |
Tờ Trung ương Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Quốc dân đảng Đài Loan ngày 21/6 dẫn lời chuyên gia quốc tế cho rằng, động thái Trung Quốc đang đảo hóa 5 trong 6 bãi đá ở Trường Sa (mà Trung Quốc xâm lược của Việt Nam, đồn trú trái phép từ năm 1988 đến nay, bao gồm: Gạc Ma, Chữ Thập, Gaven, Su Bi, Tư Nghĩa, Châu Viên - PV) là có thể đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, bởi không luật nào cho phép làm điều đó.
Trước đó tờ The New York Times dẫn nguồn tin từ Philippines cho thấy, họ có bằng chứng về việc Bắc Kinh đang vận chuyển cát đá, vật liệu xây dựng đến đá Gạc Ma để chuẩn bị biến nó thành đảo nổi (bất hợp pháp) cho người sinh sống đã khiến Việt Nam, Philippines đặc biệt quan ngại và phản đối, đồng thời Washington cũng phải cảnh giác.
Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng sau khi đảo hóa (trái phép) 6 bãi đá ở Trường Sa, Bắc Kinh sẽ đưa ra yêu sách đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, nhưng Bắc Kinh khó có thể thuyết phục được tòa án quốc tế, bởi đảo nhân tạo không có EEZ.
UNCLOS một mặt quy định rõ về vùng đặc quyền kinh tế, nhưng mặc khác cũng hạn chế việc xây dựng đảo nhân tạo và các thiết bị, kết cấu vốn không có trên các đảo, bãi đá. Sự tồn tại của các kết cấu này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc xác định vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Giáo sư Lawrence Juda chuyên về luật biển từ đại học tiểu bang Rhode Island cho biết, đảo nhân tạo không phù hợp với định nghĩa "đảo" trong UNCLOS, do đó không được hưởng các quy chế của đảo theo quy định của UNCLOS. Do đó việc Trung Quốc có đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế đối với 6 bãi đá ở Trường Sa là "không hợp lý, và sẽ không được thừa nhận".
Trong khi đó chính Trung Quốc lại đang phản đối Nhật Bản đòi áp dụng quy chế đảo cho 1 đảo nhân tạo ở rặng san hô Okinotorishima trên biển Philippines. Năm 2012, Nhật Bản đã đầu tư 600 triệu USD đắp đê, đổ đất xây dựng đảo nhân tạo ở đây.
Trung Quốc cho rằng, Okinotorishima không phù hợp với định nghĩa đảo trong UNCLOS nên không thể được hưởng quy chế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo UNCLOS.
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét