Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

NSƯT Việt Anh: Khóc trước đời - cười sau đời

@ nguontinviet.com

Bởi mỗi lần lên sân khấu, ông diễn như là đêm cuối cùng được diễn! Và mỗi lần diễn là thêm một lần sáng tạo nên đêm diễn nào cũng là mới mẻ, đầy hứng thú với ông.


Hơn nửa đời người gắn bó với sân khấu, quan điểm của nghệ sĩ về nghề diễn viên thế nào?



Một diễn viên ngoài những kiến thức được học từ trong nhà trường, họ còn phải nghiên cứu nghiền ngẫm về nghề, về cuộc sống để hiểu về con người, về vai diễn mà anh thể hiện. Diễn viên phải làm bật lên cái tư tưởng, sự sáng tạo từ việc thổi hồn vào nhân vật, tạo nên cái riêng của nhân vật. Để người xem phải suy ngẫm rồi tự hoàn thiện mình hơn.


Nhiều người cho rằng nghề diễn viên khá đơn giản, nhưng chỉ cần có năng khiếu để trở thành diễn viên thì rất khó. Người nghệ sĩ biểu diễn là thể hiện cái đẹp từ việc mang dáng dấp của mỹ học, văn học, hội họa… đến những thứ bình thường, giản dị, gắn liền với người xem, khiến khán giả thấy mình ở trong đó.


NSƯT Việt Anh: Khóc trước đời - cười sau đời


Vậy theo ông, diễn viên phải sáng tạo ra cái đẹp như thế nào và làm cách nào để người diễn viên tạo nên điểm nhấn cho vai diễn?


Trong văn học nghệ thuật nói chung, người ta thường phải sáng tạo ra cái đẹp. Thực ra cái đẹp trước hết là phải đúng. Đúng là sao? Đúng trước hết là cái sạch cơ bản, nó tồn tại trong một hoàn cảnh, một không gian, thời gian quy định. Nghề diễn viên khác với những bộ môn, những ngành nghề khác. Sân khấu là 1 tổng hợp của nhiều ngành nghề khác nhau như văn học, hội họa, mỹ học. Trong đó người diễn viên là trung tâm, là sáng tạo của tập thể. Do đó cái đúng của sân khấu dễ tìm thấy hơn ở lĩnh vực khác. Người xem sẽ nhận thấy cái gì đúng, cái gì chưa đúng.


Người diễn viên phải làm bật lên tư tưởng của tác phẩm mà vai diễn muốn nói điều gì trong cuộc sống. Tư tưởng cho người xem thấy cái đẹp. Trong đó người diễn viên là một bộ phận. Dù anh có đóng vai phản diện cũng phải hiểu được cái đẹp và làm bật lên được cái đẹp chứ không phải chạy đến hỏi vai diễn này được bao nhiêu tiền.


Diễn phải thấy được cái đúng, tiếp đến là hay là hấp dẫn, sau đó mới đến cái đẹp, muốn hấp dẫn thì anh phải pha cá tính của mình vào, bằng những chi tiết, lối diễn làm bật lên tính cách của nhân vật. Đưa cá tính vào tạo nên sự lung linh chính là đỉnh cao, tạo ra cái đẹp. Để làm được điều đó phải cảm nhận được con người sự yêu thương con người, am tường nhiều lĩnh vực.


Từ sự chiêm nghiệm của chính bản thân mình, ông thấy nghề diễn viên khắc nghiệt ra sao?


Nghề nào cũng có khắc nghiệt và nghề diễn viên thì lại càng nhiều, thậm chí còn có cả sự đánh đổi. Nghề diễn viên nó khắc nghiệt như thế nào? Đó là thời gian của nghề, nó dài và rất xa nhưng thời gian để người ta thực sự biết đến mình thì rất ngắn, khi anh từng trải thẩm thấu với cuộc sống, với nghề nghiệp thì anh ngày một điêu luyện hơn, nhưng đến lúc đó thì anh già đi mất.


Có một câu nói mà tôi rất thích: “Một người già mất đi, là một thư viện bốc cháy”. Người diễn viên là người phải biết tích lũy nó. Từ lúc theo nghề này, từ năm mười tám, đôi mươi thì anh phải đọc thật nhiều, nghiền ngẫm cuộc sống thật nhiều, anh phải nuốt trôi nó đi để khoảng 22, 23 tuổi là khoảng trẻ trung, xinh đẹp nhất của con người anh phải hiểu được hết cái đẹp, anh phải cho nó thoát ra. Tiếc thay sau 40 tuổi thì con người ta mới thấy được cái nghề nghiệp của mình nó cần cái gì?!


NSƯT Việt Anh trong phim Hạnh phúc quanh đây

NSƯT Việt Anh trong phim "Hạnh phúc quanh đây"


Thường thì khi người nghệ sĩ có tên tuổi, họ có xu hướng lựa chọn vai diễn phù hợp với vị thế của mình hơn. Ngược lại, nghệ sĩ Việt Anh không kén vai, ông chưa từng từ chối một vai diễn nào, vì sao thế?


Đúng là tôi nhận tất cả các vai, không kén vai, không lựa vai, dù nhỏ hay to, chính hay phụ, phản diện hay lương thiện, hài hước hay tình cảm. Khi tôi đã nhận thì phải sống hết mình với vai diễn đó. Tôi có thể diễn một vai từ năm này sang năm khác, từ sân khấu này sang sân khấu khác bằng tất cả trí lực, tôi diễn như là đêm diễn cuối cùng của mình. Mỗi lần diễn là thêm một lần sáng tạo, đêm diễn nào cũng là mới mẻ, đầy hứng thú với tôi.


Trong tất cả những vai diễn từ khi khởi nghiệp tới nay, ông hài lòng với vai diễn nào nhất?


Ông năm trong “Dạ cổ hoàng lang”, ông đại tá Luchianov trong “Đêm họa mi”, người cha trong “Những người cha thô bạo” hay “Mùi ngò gai”… Mỗi vai diễn là một kỷ niệm đối với tôi, đều gợi cho tôi những điều phải suy ngẫm. Mỗi khi đứng trên sân khấu, tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang diễn mà thấy mình đang sống bằng cuộc đời của nhân vật; mỗi lần nhập vai tôi đều có lời thoại khác nhau, tùy hoàn cảnh, tâm lý vai diễn lúc đó.


Vừa là Phó giám đốc Sân khấu Kịch 5B Võ Văn Tần, vừa tham gia giảng dạy, ông có suy nghĩ gì về dàn diễn viên trẻ hiện nay?


Họ rất năng động, sáng tạo, ham học hỏi. Có những bạn trẻ thực sự yêu nghề và muốn gắn bó lâu dài với nó. Tuy nhiên, tôi cũng rất tiếc là nhiều bạn trẻ và cả những người đã trở thành nghệ sĩ cũng đặt cái danh vọng của mình đứng trên các nghề nghiệp, tiền bạc đứng trên công việc của mình đang làm. Thực ra cái công việc mình đang làm nếu anh nghĩ tới tận cùng của nó nữa thì nó rất cao quý và rất đẹp, hơn hẳn tất cả những cái khác!


Nhìn về các bạn trẻ theo nghề diễn viên hiện nay, nghệ sĩ có muốn nhắn nhủ với họ điều gì về nghề không?


Có một câu nói về nghề diễn viên mà tôi rất thích muốn chia sẻ cho các bạn đó là: “Nghệ sĩ là người phải biết đau nỗi đau đời, khóc trước đời và cười sau đời”. Và có một điều tôi muốn khuyên lớp trẻ là nếu muốn đeo đuổi nghề này bạn phải nghiền ngẫm công việc đang làm với đầy đủ những cung bậc của nó, phải đọc thật nhiều để bạn thể hiện nó ở lứa tuổi khi bạn còn trẻ một cách đầy đủ nhất. Khi đó bạn sẽ làm hiệu quả nhất.


Cảm ơn nghệ sĩ về cuộc trò chuyện này!









NSƯT Việt Anh từng là một trong những diễn viên được lựa chọn nhiều nhất trong những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm điện ảnh Việt Nam hưng thịnh. Tuy luôn nhận mình là tay ngang nhưng NSƯT Việt Anh đã có hơn 30 năm làm nghệ thuật với hơn 200 vai diễn trên sân khấu và hơn 500 tập phim truyền hình. Trong đó có những vai diễn thuộc dạng “để đời” như: Chu Phác Viên trong “Lôi vũ”, ông Năm trong “Dạ cổ hoài lang”, đại tá Luchianov trong “Đêm họa mi”... Đặc biệt, với vai Tư Liều trong vở “Tốt xấu giả thật”, nghệ sĩ Việt Anh đã nhận được giải thưởng Cù nèo vàng 2011 của BáoTuổi Trẻ Cười do các nhà báo của mảng văn hóa văn nghệ bầu chọn.


Hiện tại, nghệ sĩ Việt Anh đang giữ chức Phó giám đốc Sân khấu Kịch 5B Võ Văn Tần (TP HCM) và làm công tác giảng dạy tại Trường Sân Khấu Điện Ảnh. Đồng thời, NSƯT Việt Anh cũng tích cực tham gia đóng phim và diễn kịch trên sân khấu.






Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết

Organic Groups

 
Thực Phẩm Hữu Cơ
Public group · 4,750 members
Join Group
Chợ Thực Phẩm Sạch
 

Tìm kiếm...

Translate

Danh Mục