Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Việc phục dựng bộ phim hiếm của đạo diễn Hitchcock gây tranh cãi

@ nguontinviet.com


Ít ai biết rằng vị đạo diễn lừng danh với dòng phim kinh dị ở Hollywood - Alfred Hitchcock - từng làm một bộ phim tài liệu về những trại tập trung của Đức quốc xã, tuy vậy, vì lý do nào đó mà bộ phim tài liệu này chưa từng được đem công chiếu chính thức. Giờ đây, lần đầu tiên bộ phim tài liệu bị lãng quên trong gần 70 năm được đem phục chế để ra mắt khán giả.


Đạo diễn Alfred Hitchcock
Đạo diễn Alfred Hitchcock


Năm 1945, một nhóm quay phim của quân đội Anh đã ghi lại được khoảnh khắc giải phóng trại tập trung Bergen-Belsen, đồng thời họ cũng nhanh chóng ghi lại được nhiều cảnh rùng rợn bên trong trại tập trung.


Sau này, khi những thước phim tư liệu đó được đưa cho đạo diễn Hitchcock xem, ông đã quá khủng hoảng tới mức không xuất hiện tại trường quay trong vòng một tuần. Hitchcock có thể là ông vua của dòng phim kinh dị nhưng khi phải đối mặt với những điều kinh dị có thật trong đời sống, ông rất… “yếu đuối”.


Năm 1945, đạo diễn Hitchcock được mời tham gia sản xuất bộ phim tài liệu nói về những tội ác của Phát-xít Đức trong thời kỳ chiến tranh, dựa trên những thước phim tư liệu về các trại tập trung mà các nhà làm phim quân đội Anh và Liên Xô đã ghi lại được. Tuy vậy, bộ phim này thực tế dù đã hoàn tất nhưng chưa bao giờ được đưa ra trình chiếu.


Một số vấn đề chính trị đã khiến bộ phim bị rơi vào quên lãng. Ban đầu, khi những thước phim tư liệu mới được thực hiện, Anh và Mỹ muốn nhanh chóng cho ra một bộ phim tài liệu về các trại tập trung để buộc nước Đức phải gánh trách nhiệm cho những tội ác mà quân Đức đã gây ra nhưng người ta đã mất quá nhiều thời gian để sản xuất bộ phim.


Sau này, khi bộ phim tài liệu được hoàn tất, quân Đồng minh thay đổi quan điểm, cho rằng việc vạch tội quân Đức lúc này sẽ không giúp gì cho việc tái thiết sau chiến tranh.


Cuối cùng, 5 trong tổng số 6 cuộn phim của bộ phim tài liệu đã phải nằm yên trong kho lưu trữ của Viện bảo tàng Chiến tranh Đế quốc ở London, Anh suốt gần 7 thập kỷ qua.


Đến thập niên 1980, những cuộn phim cũ này được tìm thấy lại bởi một học giả người Mỹ. Nó đã được hồi sinh, được đem trình chiếu tại Liên hoan phim Berlin năm 1984 với tiêu đề “Memory of the Camps” (Ký ức về các trại tập trung).


Tuy vậy, cuộn phim thứ 6 của bộ phim tài liệu đã hoàn toàn biến mất, vì vậy, bộ phim lúc này là một phiên bản không hoàn chỉnh và chất lượng phim cũng đã xuống cấp rất nhiều.


Giờ đây, cuối cùng, bộ phim đã được đem ra phục chế, đồng thời những phần bị thiếu do thất lạc cuộn phim thứ 6 cũng được bổ sung. Khán giả sẽ được xem bộ phim theo đúng như những gì mà đạo diễn Hitchcock cùng ê-kíp sản xuất từng dày công thực hiện. Bộ phim sẽ được chiếu trên truyền hình Anh vào đầu năm 2015.


Tuy vậy, việc phục chế bộ phim cũng làm nảy sinh những tranh cãi mới. Nhiều người cho rằng việc chiếu lại những bộ phim như vậy liệu có gây ra những phản ứng tâm lý tiêu cực đối với thế hệ người dân Đức hiện tại.


Những gì đã xảy ra thuộc về quá khứ, những tội ác kia cũng không phải do họ gây nên, việc chiếu lại những bộ phim tài liệu nhằm vạch trần tội ác của Đức quốc xã nhiều khi không khác gì day đi day lại một vết thương chung trong lịch sử của người Đức.


Trại tập trung Bergen-Belsen năm 1945 sau khi được giải phóng và nằm dưới sự quản lý của quân Anh.
Trại tập trung Bergen-Belsen năm 1945 sau khi được giải phóng và nằm dưới sự quản lý của quân Anh.


Trước đây, khi những bộ phim tài liệu khắc họa tội ác của Phát-xít Đức được trình chiếu tại Đức, nhiều khán giả Đức đến xem đã bỏ về giữa chừng bởi họ không thể chịu nổi việc chứng kiến dù chỉ là qua màn ảnh những tội ác mà ông cha mình từng gây ra và bị cả thế giới lên án.


Có những người ngồi trong phòng chiếu và nhắm mắt lại, đơn giản bởi họ không muốn phải đối diện với sự thật lịch sử, không muốn phải thấy lại những ký ức kinh hoàng của quá khứ.


Đối với đạo diễn Billy Wilder - đạo diễn của bộ phim tài liệu “Death Mills” (Cỗ máy tử thần - 1945), một bộ phim làm về tội ác của Đức quốc xã - giờ đây, ông phản đối việc chiếu lại những bộ phim tài liệu như thế này bởi nó chỉ khoét sâu hơn vào những vết thương mà lịch sử để lại.


Trong bộ phim có cảnh những xác chết lõa lồ bị đem chất đống trong những ngôi mộ tập thể. Việc chiếu lại những cảnh ghê rợn như vậy, đối với nhiều người, chẳng khác nào hành hạ tâm lý người sống. Không chỉ người Đức nói chung mà không ít gia đình những nạn nhân từng thiệt mạng trong các trại tập trung cũng sẽ đi xem những thước phim ghê rợn này.


Bộ phim tài liệu “Memory of the Camps” được cho là chân thật hơn bất kỳ bộ phim tài liệu nào khác về các trại tập trung. Phim được các nhà phê bình đánh giá là “xuất sắc”.


Từ “xuất sắc” để dành cho những nhà quay phim của quân đội Anh và Liên Xô, khi đó, họ đã quay phim mà không hề có một vị đạo diễn tổng chỉ huy nhưng họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ghi lại được những thước phim tư liệu quý giá, những hình ảnh biết nói đầy ám ảnh. Đó là một bộ phim tài liệu vừa đáng sợ nhưng cũng đầy tính nhân văn.


Trại tập trung Bergen-Belsen năm 1945 sau khi được giải phóng và nằm dưới sự quản lý của quân Anh.


Về phần đạo diễn Alfred Hitchcock, có lẽ những thước phim tư liệu này đã có tác động không nhỏ đối với tư duy làm phim của vị đạo diễn, khiến ông có những cách tiếp cận mới về sau đối với các vấn đề như bạo lực hay yếu tố kinh dị trong điện ảnh.


Đúng như dự đoán của những người tham gia phục chế bộ phim, những xuất chiếu thử nghiệm dành cho các nhà sử gia, các nhà phê bình điện ảnh… đã không đạt kết quả như ý. Dù đây là những khán giả cấp tiến, có trình độ và sự hiểu biết nhưng khi xem bộ phim tài liệu này, họ vẫn bị sốc. Đơn giản bởi lịch sử là sự thật, mà sự thật khó lòng có thể nói giảm, nói tránh.


Bích Ngọc
Theo Independent







Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật

Nguồn tin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bạn Nên Xem:

Bài Viết Liên Kết

Organic Groups

 
Thực Phẩm Hữu Cơ
Public group · 4,750 members
Join Group
Chợ Thực Phẩm Sạch
 

Tìm kiếm...

Translate

Danh Mục