Chuyện nam diễn viên đóng phim để… “chuộc tội”
Ở thủ đô Bridgetown của đảo quốc Barbados (thuộc vùng biển Caribbe) có một dãy đồi được biết tới với cái tên “Quận Scotland” để chỉ những người có gốc gác từ Scotland, Vương quốc Anh đã tới định cư tại đây từ những thế kỷ trước. Khi lái xe đến Quận Scotland, du khách sẽ được thấy những cánh đồng mía bạt ngàn phía sau một biển đề “Trang trại Cleland”.
Chủ của trang trại này là dòng họ Cumberbatch. Người hiện nay đang làm nhiệm vụ trông nom trang trại là ông Stephen Tempro, 66 tuổi, ông đã sinh sống tại đây từ năm 1985. Cuộc sống bình lặng của ông diễn ra với những việc như chăn nuôi đàn gia súc, trông nom cánh đồng mía, chăm sóc và thu hoạch rau trái…
Vợ chồng ông Tempro hiện sống trong một biệt thự nhỏ nằm ở giữa khu đồn điền. Căn biệt thự này ước tính đã 400 năm tuổi, trong nhà có vô số những món đồ nội thất mang phong cách cổ điển, những bức hình lưu niệm đã mờ xỉn.
Trước đây, trong thời kỳ còn tồn tại chế độ nô lệ ở Mỹ và Anh, đảo quốc Barbados cũng cho phép chế độ này tồn tại suốt 200 năm. Tại đồn điền Cleland, từng có hơn 250 nô lệ sinh sống và làm việc.
Có lẽ ít ai biết rằng đó chính là dinh cơ mà tổ tiên của nam diễn viên người Anh Benedict Cumberbatch đã từng gây dựng tại quốc đảo Barbados.
Nam diễn viên Benedict Cumberbatch hiện đang bận rộn tham gia những buổi quảng bá cho bộ phim hứa hẹn sẽ càn quét giải Oscar - “12 Years A Slave” (12 năm nô lệ). Bộ phim xoay quanh câu chuyện về những nô lệ từng sinh sống tại Mỹ.
Điều kiện làm việc và ăn ở của các nô lệ khi xưa tại đồn điền Cleland từng được chính nam diễn viên khẳng định là rất tồi tệ khi họ không có nhà ở mà chỉ có những lều lán tạm bợ được dựng lên trên một khoảnh đất trống. Bên cạnh đó, địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi, đất nhiều sỏi đá nên các nô lệ từng rất vất vả trong việc tạo màu cho đất và chăm sóc cây mía.
Giờ đây, đồn điền rộng lớn Cleland đương nhiên không còn nô lệ, phần lớn đất bị bỏ hoang, chỉ còn một diện tích nhỏ được sử dụng để trồng mía, trên những khoảnh đất trống, từng đàn khỉ kéo về đây sinh sống.
Những ông chủ đồn điền của trang trại Cleland trước đây đều mang một tên họ rất đặc biệt - Cumberbatch. Trong bộ phim mới của mình, nam diễn viên Benedict Cumberbatch cũng vào vai một ông chủ đồn điền.
Trước đây, anh đã từng tham gia nhiều bộ phim nói về đề tài nô lệ, nhiều người cho rằng, đơn giản, đó là sự ám ảnh và mong muốn được “chuộc tội” của Benedict Cumberbatch trước lịch sử dòng họ nhà mình.
Dòng họ Cumberbatch có những người chủ đồn điền nổi tiếng từ đầu thế kỷ 18, rất nhanh chóng họ trở thành một trong những gia đình giàu có nhất nước Anh, sở hữu ít nhất 7 đồn điền trồng mía ở Barbados, không kể những đồn điền khác ở Anh.
Số tiền mà gia đình Cumberbatch từng tích lũy được đủ để con cháu tiêu dùng trong nhiều đời. Sau này, đến đời nam diễn viên Benedict Cumberbatch, anh được học tại một trường tư nổi tiếng với học phí tương đương 1,2 tỉ VNĐ/năm, nơi đây đã từng có 7 Thủ tướng Anh học tập.
Thực tế, bản thân nam diễn viên khi tham gia vào những bộ phim nói về đề tài nô lệ, anh cũng “thú nhận” rằng việc này giống như một lời xin lỗi trước những gì mà tổ tiên nhà Cumberbatch đã làm.
Khi Cumberbatch bước vào sự nghiệp diễn xuất, cha mẹ anh đã khuyên con trai đừng nên sử dụng tên thật bởi nó có thể khiến anh trở thành mục tiêu của sự công kích và tẩy chay cực đoan.
Không ít lần người ta bới móc lại chuyện gia đình Cumberbatch từng là những người chủ sở hữu nô lệ. Trên khắp nước Anh, họ Cumberbatch được coi là một họ hiếm và vốn nổi tiếng với lịch sử sở hữu nô lệ.
Sau khi tìm hiểu lịch sử về dòng họ Cumberbatch, tờ Dailymail khẳng định người ta hoàn toàn có thể làm một bộ phim hay về gia đình này. Dòng họ Cumberbatch khi xưa có những người đàn ông đầy tham vọng, họ rất gan dạ, lại được sự may mắn ủng hộ nên nhanh chóng trở nên giàu có.
Đương nhiên, họ cũng không kém phần độc ác khi hoàn cảnh yêu cầu. Vì vậy, qua từng đời, đàn ông nhà Cumberbatch đã liên tục mở mang cơ nghiệp gia đình.
Bên cạnh đó, các ông chủ đồn điền nhà Cumberbatch cũng rất phong lưu, họ thường có mối quan hệ “ngoài luồng” với các nô lệ nữ sống trong trang trại, thậm chí có người còn có con với nô lệ.
Cụ cố nhà Cumberbatch đã bắt đầu sở hữu đồn điền đầu tiên vào năm 1728, sau này, các vị tiền nhân nhà Cumberbatch tiếp tục mở rộng sản nghiệp. Dù chế độ nô lệ bị xóa bỏ nhưng lượng tiền mà họ tích lũy được còn đủ dùng cho tới tận đời nam diễn viên Benedict Cumberbatch để anh được học tại một trường tư danh tiếng hàng đầu nước Anh.
Mẹ của nam diễn viên Benedict Cumberbatch từng khuyên con mình nên sử dụng nghệ danh thay vì tên thật để khỏi trở thành mục tiêu công kích của những người có tư tưởng cực đoan.
Chế độ nô lệ từng tồn tại ở Barbados cũng nghiệt ngã không kém gì so với ở Anh hay ở Mỹ. Tại một viện bảo tàng về chế độ nô lệ ở Barbados, người ta được biết rằng chế độ nô lệ ở đây cũng rất bạo lực và đẫm máu. Nó được sản sinh, duy trì và nuôi dưỡng bằng bạo lực.
Khi nô lệ phạm lỗi, họ thường bị cột bằng dây thừng vào cây để rồi bị đánh bằng roi da, bằng xích sắt… Thường họ phải đeo những chiếc vòng sắt đánh dấu để người ta nhìn vào là biết ngay đây là nô lệ của nhà nào. Những chiếc vòng sắt này khiến nô lệ không thể chạy trốn dễ dàng.
Số nô lệ chết trong một năm khi đó luôn nhiều hơn số trẻ em ra đời. Nô lệ thường chết vì làm việc quá sức và nhiều khi còn là do bị tra tấn dã man.
Trong một bản di chúc mà ông tổ nhà Cumberbatch viết năm 1750 có một dòng: “Trang trại của ta có 250 nô lệ, 150 con gia súc…”. Riêng câu này đã cho thấy, trong mắt một người chủ đồn điền, nô lệ chỉ là một thứ tài sản không hơn không kém.
Trong lịch sử làm chủ đồn điền, dòng họ Cumberbatch từng một lần phải đứng trước cuộc nổi dậy của nô lệ nhưng cuối cùng, họ đã đàn áp được bằng bạo lực tàn nhẫn và đẫm máu. Rất nhiều nô lệ đã bỏ mạng trong cuộc nổi dậy này.
Ông Stephen Tempro - người hiện nay đang làm nhiệm vụ trông nom đồn điền nhà Cumberbatch chia sẻ: “Thật thú vị khi biết rằng nam diễn viên thường tham gia những bộ phim nói về đề tài nô lệ - cậu Benedict Cumberbatch nhà chúng tôi - lại xuất thân từ một gia đình vốn là những chủ đồn điền khét tiếng. Đồn điền Cleland có một lịch sử lâu đời rất thú vị mà tôi cho rằng ai đó nên đến đây để tìm hiểu và viết thành một cuốn truyện”.
Bích Ngọc
Theo DM
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét