Những cách xem phim “quái chiêu” nhất thế giới
Những trò giật gân kinh dị
Những trò giật gân mang tính tương tác với khán giả bắt đầu được sáng tạo từ cuối thập niên 1950. Khi đó, một vị đạo diễn của dòng phim kinh dị kinh phí thấp - William Castle - đã sử dụng những bộ xương giả để chúng “trôi nổi” trong không gian, ngay trên đầu người xem.
William Castle cũng nghĩ cách để rung lắc ghế ngồi, tạo ra những hình ảnh ma quái, rùng rợn xung quanh rạp chiếu. Ông còn nghĩ ra cách quảng cáo phim rất hiệu quả: Mỗi khi khán giả tới xem, họ phải ký vào giấy cam đoan tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình, đề phòng trường hợp lên cơn đau tim.
Trước khi đến tình tiết cao trào nhất, nhân viên rạp chiếu sẽ thông báo để những khán giả cảm thấy không thể chịu đựng sự sợ hãi hơn nữa có thể rời rạp và nhận lại tiền vé. Bên cạnh đó, trong một số bộ phim, khán giả còn có thể lựa chọn kết thúc cho phim bằng cách bỏ phiếu.
Rạp chiếu phim bí mật
Khi xem phim ở rạp chiếu bí mật, khán giả sẽ không biết mình sắp xem phim gì, thậm chí còn không biết đến đâu để xem phim. Gần tới ngày chiếu, họ mới nhận được “mật thư” báo tới tập trung tại một địa điểm hẹn gặp bí mật. Đó có thể là một tầng trong tòa nhà văn phòng, cũng có thể là một hầm chứa xe.
Khi đến nơi, khán giả trước tiên sẽ được trải nghiệm về chủ đề phim, chẳng hạn, một phim về đề tài hóa học, khán giả sẽ được vào trong một phòng thí nghiệm để thực hiện các phản ứng hóa học. Nếu phim về đề tài đua xe tốc độ, sẽ có các xe môtô, ôtô cho người xem khám phá.
Họ còn được phát quần áo giống như nhân vật. Diễn viên của phim sẽ có mặt tại phòng chiếu để “nhập đoàn” và gây thêm hứng thú cho khán giả.
Khán giả quyết định diễn biến phim
Được trình chiếu lần đầu năm 1967, bộ phim của Séc có tên “Kinoautomat” là sản phẩm điện ảnh đầu tiên có các tình tiết thay đổi dựa theo quyết định của số đông khán giả. Mỗi khán giả bước vào phòng chiếu được phát một bảng điều khiển có hai nút xanh - đỏ.
Đến những tình tiết quan trọng có tính quyết định, họ sẽ đồng loạt bấm nút xanh hoặc đỏ, tương ứng với có hoặc không, để quyết định tình huống tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào. Tại thời điểm ra mắt, “Kinoautomat” đã gây sốt trên diện rộng. Tờ New Yorker của Mỹ khi đó còn viết rằng: “Có lẽ Séc nên xây một tượng đài cho người đã nghĩ ra ý tưởng này”.
Hóa thân thành nhân vật
Ý tưởng nhằm gia tăng tính tương tác giữa khán giả và phim đã xuất hiện từ năm 1975. Khán giả đến xem phim được yêu cầu ăn vận giống như tạo hình nhân vật và phải học thuộc một đoạn lời thoại của nhân vật mà họ hóa thân để làm “mật hiệu” vào rạp. Mỗi buổi chiếu phim lúc này bỗng trở thành một bữa tiệc hóa trang vui nhộn.
Phim lồng kịch
Từ thập niên 1930, đã có những bộ phim kiểu này, trong đó, bên cạnh việc theo dõi những tình tiết chính trên màn ảnh, khán giả còn có những trường đoạn được xem diễn viên diễn trực tiếp trên sân khấu.
Phim 4 màn hình - Màn hình dọc - Chuyện phim không có kết thúc
Một số khán giả thường cảm thấy “sốt ruột” khi xem phim bởi tốc độ phim diễn ra “quá chậm”. “Time Code” (2000) sẽ giải quyết được sự khó chịu này. Phim cùng lúc được chiếu trên 4 khuôn hình, khắc họa những hoạt động diễn ra cùng lúc của các nhân vật khác nhau.
Xem phim như thế khá phức tạp, đòi hỏi phải tư duy, quan sát rất nhanh. Đến những tình tiết quan trọng, để khán giả tập trung vào màn hình chính, người ta sử dụng âm thanh mạnh để lôi cuốn ánh mắt người xem.
Phim màn hình dọc là một ý tưởng khá mới, dựa trên màn hình chiếc điện thoại thông minh rất phổ biến hiện nay. Các nhà làm phim đã bắt đầu phát triển một dòng phim trình chiếu trên màn hình dọc, nhấn mạnh vào chân dung nhân vật.
Lại có những khán giả thường cảm thấy phim không lột tả được vẻ phức tạp, đa dạng của đời sống thực. “The Clock” (2010) sẽ phần nào giải quyết được sự thất vọng đó. Phim dài 24 tiếng đồng hồ với hàng trăm nhân vật. Thời gian được đề cập trong phim tương ứng với thời gian thực tại thời điểm chiếu phim.
Khán giả có thể đến xem rồi rời đi, sau đó lại quay lại xem tiếp bất cứ lúc nào họ muốn. Họ có thể lưu lại rạp chiếu lâu chừng nào tùy ý. “The Clock” “thật như cuộc sống”, được coi là một siêu phẩm khắc họa thời gian, là bộ phim sử thi vĩ đại về một lát cắt 24 giờ của đời sống thực.
Khán giả hòa nhập vào bối cảnh phim
Đã có những rạp chiếu phim được dựng lên trong bể bơi, trong phòng tập thể hình…, bao gồm cả những đồ ăn, thức uống… giống như trong phim để tăng cảm giác trải nghiệm ở khán giả.
Đồng thời, các diễn viên cũng “nằm vùng” trong lòng khán giả. Bên cạnh việc theo dõi màn hình chính, khán giả sẽ còn theo dõi những cảnh phim khác bất ngờ được diễn trực tiếp bởi những diễn viên đang ngồi ngay cạnh họ.
Nếu trong phim có cảnh nhảy múa, hò hét, diễn viên sẽ lôi kéo khán giả hòa nhập với mình. Nếu trong phim có một thầy giáo khó tính, diễn viên sẽ “đầu têu” những trò tinh nghịch và rủ người xem cùng thực hiện.
Cinerama
Phim Cinerama đã xuất hiện từ đầu thập niên 1950. Thực tế, khi mới ra mắt, ý tưởng này đã thất bại, tuy vậy, về sau, khi “tái xuất”, Cinerama lại gây sốt với khán giả của thời đại yêu chuộng công nghệ.
Cinerama hiểu đơn thuần là một cảnh phim “gập” làm 3 khúc, cho phép trình chiếu những cảnh phim chạy dài tựa như một tấm ảnh Panorama. Màn ảnh trong trình chiếu phim Cinerama thường là màn ảnh cong. Khi chiếu phim, người ta phải huy động tới 3 máy chiếu cùng hoạt động một lúc để phối hợp chạy hình ảnh trên một màn hình dài.
Về sau Cinerama “tân tiến” lên và cho ra đời rạp Imax. Màn hình trong rạp Imax là những màn hình khổng lồ, có thể gây choáng ngợp với người mới tới xem lần đầu. Chiều cao màn hình tối thiểu 16m, rộng 22m. Màn hình Imax lớn nhất hiện nay cao 30m.
Còn có một loại rạp Imax mái vòm với màn hình cầu, bao phủ toàn bộ rạp với đường kính lên tới 30m. Màn hình của rạp Imax khổng lồ khiến người xem cảm giác họ có thể bước vào khuôn hình và đắm mình trong cảnh phim.
Bích Ngọc
Theo Guardian
Đăng ký: Bản tin Văn hóa Nghệ thuật
Nguồn tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét